Một góc phố cổ Gia Hội. Ảnh: T.N
Phố cổ Gia Hội từng là trung tâm thương mại sầm uất của kinh đô Huế, lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc và văn hóa. Tuy nhiên, trước tác động của đô thị hóa, nhiều công trình đang xuống cấp. Chính quyền và người dân đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố này.
Phố cổ Gia Hội hình thành từ thời các chúa Nguyễn, từng là một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất kinh đô Huế vào thế kỷ 19. Nơi đây lưu giữ vẻ đẹp trầm mặc của thời gian với những nếp nhà rường cổ kính, những phủ đệ uy nghi, đình chùa rêu phong và hội quán mang dấu ấn văn hóa xa xưa. Không chỉ là không gian của kiến trúc, Gia Hội còn ẩn chứa những giá trị tinh thần qua các lễ hội truyền thống và làng nghề thủ công lâu đời. Thế nhưng, trước sự bào mòn của thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và làn sóng đô thị hóa, nhiều công trình đã xuống cấp, dần mất đi nét cổ kính từng làm nên hồn cốt của khu phố xưa.
Bà Lê Thị Liên (sinh năm 1952), chủ nhân một ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng chia sẻ rằng, bà đã gắn bó với ngôi nhà này từ thuở ấu thơ, khi còn là di sản do ông cố để lại: “Ngôi nhà của tôi vẫn giữ được nhiều nét nguyên bản từ xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng nhà cổ tại đây đang dần mai một”.
Trước nguy cơ mai một, nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức văn hóa đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn phố cổ Gia Hội. Nổi bật trong số đó là dự án nghiên cứu kiến trúc nhà ở truyền thống khu vực Gia Hội – Chợ Dinh, hướng đến việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng) cũng triển khai dự án tôn tạo, khôi phục khu đô thị cổ này.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế, Gia Hội là vùng đất giàu giá trị lịch sử và văn hóa, mang nét trầm mặc, ít bị tác động bởi quá trình phát triển. Ông Hải chia sẻ: “Làm sao để Gia Hội vừa bảo tồn được bản sắc, vừa phát triển bền vững là câu hỏi lớn khiến nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân trăn trở. Dù chính quyền Huế đã nhiều lần thể hiện quyết tâm, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa như mong đợi”.
Đề án của Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Huế đề xuất một hướng đi hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, một giải pháp quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nền tảng cho việc khảo sát, sưu tầm, số hóa và lập hồ sơ các công trình kiến trúc có giá trị. Đồng thời, kế hoạch này cũng đặt ra định hướng phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ, nhưng trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của khu phố cổ Gia Hội.
Hiện nay, Huế đang triển khai các quy hoạch quan trọng như quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch bảo tồn, tu bổ Quần thể Di tích Cố đô Huế. Trong bối cảnh đó, việc lập quy hoạch chi tiết cho khu vực Gia Hội là điều cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển bền vững cho khu vực này.
Bên cạnh công tác quy hoạch, cần có sự đầu tư thích đáng nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị di sản phong phú của Gia Hội. Đồng thời, việc tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự kết nối trong cộng đồng là yếu tố quan trọng, giúp người dân phát huy năng lực, sở trường trong việc khai thác các nguồn lực văn hóa và di sản.