Ngành Y tế đang dốc sức bảo đảm vaccine cho người dân.

TCMR: Bước ngoặt y tế trong cơ cấu bệnh tật trẻ em Việt Nam. (Ảnh: Cục Y tế dự phòng)
TCMR: Bước ngoặt y tế trong cơ cấu bệnh tật trẻ em Việt Nam. (Ảnh: Cục Y tế dự phòng)

Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) được xem là một trong những chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng thành công nhất tại Việt Nam, đóng góp to lớn vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân cả nước. Thành công này đến từ nỗ lực không ngừng của ngành Y tế, đặc biệt là trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine ổn định, kể cả trong giai đoạn khan hiếm.

Thành công dựng “bức tường thành” vững chãi chống dịch bệnh

Vaccine, một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, đã cứu sống gần 154 triệu người trên toàn thế giới trong 50 năm qua, tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, trong khoảng 40 năm qua, vaccine cũng đã bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi nhiều bệnh tật thông qua Chương trình TCMR.

Khởi xướng từ năm 1981 bởi Bộ Y tế với sự hỗ trợ của WHO và UNICEF, Chương trình TCMR ban đầu tập trung tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi phòng 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi).

Kể từ năm 1985, Chương trình TCMR đã phủ sóng toàn quốc, tạo cơ hội tiêm chủng cho mọi trẻ em dưới 1 tuổi. Đồng thời, số lượng vaccine phòng bệnh cũng được tăng cường từ 6 lên hơn 10 loại, được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Kinh nghiệm từ Chương trình TCMR ở Việt Nam và quốc tế đã chứng minh tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, chương trình đã bảo vệ hơn 6,7 triệu trẻ em khỏi nhiều bệnh tật. Tỷ lệ tiêm chủng cao (trên 95%) trong những năm qua tiếp tục góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ, đồng thời giảm chi phí y tế và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ giúp Việt Nam thanh toán và loại trừ nhiều bệnh nguy hiểm như đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh, bệnh phong, và hướng tới loại trừ sởi, khống chế viêm gan B, Chương trình TCMR còn có tác động to lớn trong việc giảm hàng trăm lần tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản B so với thời điểm trước khi chương trình được triển khai.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá TCMR là một trong những chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng thành công nhất tại Việt Nam. Chương trình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 139/NQ-CP, Nghị quyết số 104/NQ-CP, Nghị định số 13/2024/NĐ-CP.

Thành công của TCMR đã tạo ra “lá chắn thép” vững chắc cho công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Độ bao phủ vaccine tối ưu tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn lây lan bệnh tật, bảo vệ nhóm yếu thế, giảm áp lực y tế và mở ra cơ hội kiểm soát, loại trừ bệnh nguy hiểm.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu vaccine

Việc duy trì thành tựu của TCMR rất quan trọng, nhưng dịch vụ tiêm chủng thường xuyên bị gián đoạn từ cuối năm 2022, đe dọa những thành quả đã đạt được. Gián đoạn này khiến trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh và làm bùng phát các dịch bệnh có thể phòng ngừa.

Bộ Y tế đẩy mạnh các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine đầy đủ cho Chương trình TCMR. (Ảnh minh họa - Nguồn: CTTCMR).
Bộ Y tế đẩy mạnh các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine đầy đủ cho Chương trình TCMR. (Ảnh minh họa - Nguồn: CTTCMR).

Tình trạng gián đoạn tiêm chủng không chỉ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà còn do những thay đổi mang tính hệ thống trong Luật Ngân sách nhà nước, chuyển trách nhiệm mua vaccine về cho các địa phương, dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Trước những thách thức, từ năm 2023, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo nguồn cung vaccine cho TCMR. Các hành động cụ thể bao gồm: ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine; chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, trong nước; lập kế hoạch cung ứng vaccine trong năm 2024 kịp thời đảm bảo nguồn cung vaccine,…

Sau nhiều tháng khan hiếm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã ký hợp đồng đặt hàng, đảm bảo đủ 9 loại vaccine TCMR ngay từ đầu tháng 1/2024 để tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm năm 2023 và trẻ đến lịch tiêm 6 tháng đầu năm 2024.

Bước sang năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho TCMR thông qua nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là việc ban hành Nghị định 13/2024/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 104/2016/NĐ-CP, quy định ngân sách trung ương sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho các hoạt động của chương trình.

Song song với việc ban hành Nghị định 13/2024/NĐ-CP, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động cụ thể như: hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu vaccine; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine trong nước; và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận, phân bổ khoảng 21 triệu liều vaccine từ các nguồn thu mua và viện trợ.

Để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho Chương trình TCMR năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1596/QĐ-BYT vào ngày 10/6/2024. Trên cơ sở đó, các địa phương đã triển khai kế hoạch tiêm chủng và Bộ Y tế cam kết tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo để đảm bảo nguồn cung vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế.

Nhìn lại những hoạt động đã được triển khai, có thể thấy rõ sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine cho Chương trình TCMR. Những giải pháp kịp thời và quyết liệt được thực hiện đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngành trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x