Ngoại giao kinh tế: Động lực phát triển kinh tế trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết ngoại giao kinh tế năm 2024, định hướng trọng tâm 2025 (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết ngoại giao kinh tế năm 2024, định hướng trọng tâm 2025 (Ảnh: TTXVN)

Chiều 20/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024, đồng thời xác định trọng tâm cho năm 2025. Hội nghị hướng đến mục tiêu tạo đà bứt phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoại giao kinh tế 2024: Thúc đẩy động lực tăng trưởng, nâng tầm hợp tác quốc tế

Báo cáo của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thực chất và hiệu quả vào các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, ngành đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của nền kinh tế.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt năm 2024, ngoại giao kinh tế giữ vai trò trọng tâm, mang lại nhiều kết quả cụ thể và thiết thực. Nổi bật là các chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, New Zealand, Australia, Hàn Quốc, Qatar, UAE, Hungary, Dominicana, Rumani cùng các chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, Nga… Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường quốc tế cho Việt Nam.

Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong các dịp này, mở rộng và nâng cấp quan hệ đối ngoại. Các hoạt động trao đổi cấp cao và hợp tác quốc tế đã tập trung thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và lao động với các thị trường lớn, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, góp phần làm mới động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đột phá thị trường mới, nâng cao vị thế quốc gia

Công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác. Quyết liệt triển khai đột phá ở những thị trường tiềm năng như Trung Đông – châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông Âu, thúc đẩy ngoại giao với những đối tác quan trọng, đồng thời khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống.

Phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. Qua đó nâng cao uy tín và vị thế quốc gia, đồng thời thu hút nguồn lực phục vụ phát triển. Công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế được đẩy mạnh với tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu nỗ lực đột phá, đưa tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị, Việt Nam dự kiến hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến trên 7%, kéo theo sự gia tăng đáng kể các chỉ tiêu khác như thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động và nâng cao uy tín quốc gia,… gia tăng uy tín quốc gia.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không được thỏa mãn với những kết quả đạt được, vì dư địa phát triển vẫn còn lớn, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Thủ tướng mong muốnị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước mạnh mẽ hơn nữa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng xuất nhập khẩu là hai thành tựu nổi bật trong năm 2024, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại.

Hướng tới năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của việc bám sát thực tiễn, đánh giá chính xác tình hình và đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời để đạt hiệu quả cao hơn. Ông nhấn mạnh, kinh nghiệm từ những năm qua cho thấy, việc đánh giá đúng và phản ứng chính sách nhanh chóng là yếu tố quyết định mang lại thành công trong phát triển kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua quá trình lãnh đạo và điều hành trong những năm gần đây, Chính phủ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Điển hình là trong công tác cung ứng điện, dù tổng nguồn không tăng, nhưng nhờ cách điều hành hiệu quả, Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu điện trong năm 2024, bất chấp mức tiêu thụ tăng cao.

Hướng tới năm 2025, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tạo bứt phá, với một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hướng tới tăng trưởng 10%. Trước bối cảnh đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng được dự báo tiếp tục tăng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ để bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Phân tích tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của cả nước trong việc tạo đà và khí thế tiến tới Đại hội XIV của Đảng, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt hai con số. Ông nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các nhà quản lý. Thủ tướng cảnh báo, nếu duy trì mức tăng trưởng bình bình 6 – 7% mỗi năm, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển dài hạn và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cần xác định rõ nguồn lực bên trong là yếu tố cơ bản, chiến lược và lâu dài. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chuyển giao công nghệ, đột phá trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quản trị thông minh là những yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và vững bước trên con đường phát triển.

Thúc đẩy 3 đột phá – Chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào ba đột phá chiến lược để tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ nhất là môi trường đầu tư thông thoáng: Cải cách cơ chế, chính sách nhằm giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển bền vững.

Thứ hai là phát triển hạ tầng chiến lược: Ưu tiên đầu tư vào cả hạ tầng cứng và mềm, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Đẩy mạnh các chương trình đào tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động trong nước.