Nhiều đại học bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025

lich-thi-dai-hoc-2024-thumbnail-8828
Ảnh minh hoạ

Nhiều trường đại học lớn đang thay đổi phương thức tuyển sinh trong năm 2025, quyết định bác bỏ phương thức tuyển sinh bằng kết quả học bạ THPT. Đây là một trong những xu hướng đáng chú ý trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến siết chặt phương thức tuyển sinh này trong thời gian tới.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đại học điển hình có sự thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh. Theo thông báo mới nhất của nhà trường, từ năm 2025, trường sẽ tuyển sinh 7.990 chỉ tiêu cho 62 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy theo 5 phương thức tuyển sinh, trong đó có 10 chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh. Các phương thức tuyển sinh của trường sẽ bao gồm:

  • Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (không giới hạn chỉ tiêu);
  • Xét tuyển theo điểm chứng chỉ quốc tế/giải học sinh giỏi, kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10, 11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 10%);
  • Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (dự kiến chỉ tiêu 80%);
  • Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, kết hợp với điểm tổng kết học bạ lớp 10,11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%);
  • Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy năm 2025 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, kết hợp với điểm tổng kết học bạ lớp 10,11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%).

Đặc biệt, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ bỏ phương thức xét tuyển hoàn toàn dựa vào học bạ THPT. Điều này có nghĩa là từ năm 2025, thí sinh muốn xét tuyển vào trường này sẽ phải kết hợp điểm thi đánh giá năng lực hoặc thi đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế, hoặc giải học sinh giỏi. 

Ngoài ra, từ năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng sẽ xét tuyển các tổ hợp môn mới như A0C (toán, vật lý, công nghệ), A0T (toán, vật lý, tin học), B0C (toán, hóa học, công nghệ), D0C (toán, tiếng Anh, công nghệ), và D0G (toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật).

Trường Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã đưa ra quyết định giảm còn 3 phương thức chính từ năm 2025, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, các trường trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng sẽ tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ cho học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc (theo danh sách cập nhật hàng năm). Quyết định này nhằm đảm bảo tính công bằng trong xét tuyển.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một trong những cơ sở đào tạo y dược hàng đầu tại TP.HCM, cũng có sự thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh năm 2025 của mình. Theo kế hoạch dự kiến, từ năm 2025, trường sẽ không còn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ nữa. Thay vào đó, trường sẽ chỉ xét tuyển thông qua 6 phương thức chính, bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đơn vị khác tổ chức; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác.

Ngoài ra, trường cũng dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho 3 ngành học so với năm 2024, bao gồm ngành Dược học (tăng 30%), Y học cổ truyền (tăng 20%) và Điều dưỡng (tăng 10%). Các ngành còn lại sẽ giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước.

Trước đó, một số trường đại học lớn như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công Thương TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, và Trường Đại học Kinh tế – Luật đã thông báo kế hoạch hạn chế hoặc dừng hoàn toàn việc sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT.

Cùng thời điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo dự thảo này, nếu các trường sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển, bắt buộc phải dựa trên kết quả cả năm lớp 12 của thí sinh. Bên cạnh đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển sinh.