Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đòi hỏi việc duy trì cơ cấu dân số cân bằng và khai thác tối đa lợi thế từ giai đoạn dân số vàng. Ảnh: Tuyengiao.vn
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 15/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Hướng dẫn số 05/2022 về thực hiện Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Từ ngày 20/3/2025, việc sinh con thứ ba không còn bị xem là vi phạm chính sách dân số và không thuộc diện bị kỷ luật Đảng. Cụ thể, Hướng dẫn số 15 đã chính thức bãi bỏ các điểm 8.1 và 8.2 mục III của Hướng dẫn số 05. Qua đó, chấm dứt quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên có từ ba con trở lên.
Quyết định này được đưa ra theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong văn bản thông báo ý kiến về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, liên quan đến công tác dân số trong tình hình mới. Bộ Chính trị đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì rà soát, tham mưu sửa đổi các quy định của Đảng về chính sách dân số theo hướng không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành. Đáng chú ý, quy định mới này không áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã bị xử lý trước đó.
Sự điều chỉnh này xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại khi mức sinh tại Việt Nam đang giảm nhanh và thấp hơn mức sinh thay thế. Theo Bộ Y tế, mức sinh trung bình toàn quốc đã giảm từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 – mức thấp nhất trong lịch sử. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những năm tới. Nếu không có giải pháp kịp thời, Việt Nam sẽ chính thức bước qua thời kỳ dân số vàng vào năm 2039; đến năm 2042, quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054, dân số sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng âm.
Trong bối cảnh này, việc khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh đủ hai con trở thành một mục tiêu quan trọng. Bộ Y tế đã chủ động đề xuất bãi bỏ các quy định xử lý vi phạm về số con, đồng thời xây dựng dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Dân số theo hướng trao quyền tự quyết về số con, thời điểm sinh và khoảng cách sinh con cho mỗi cặp vợ chồng, cá nhân, phù hợp với quyền con người và xu thế phát triển hiện đại.
Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” nhấn mạnh rằng, một trong những thách thức lớn nhất của đất nước hiện nay là tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, trong khi thời kỳ dân số vàng đang dần khép lại. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng mạnh, trong khi lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, gánh nặng tài chính và áp lực lên hệ thống an sinh, y tế sẽ ngày càng lớn. Do đó, cần tận dụng tối đa lợi thế dân số hiện tại. Đồng thời, nâng cao chất lượng dân số thông qua các chính sách về y tế, giáo dục, dinh dưỡng, cũng như khuyến khích sinh con để duy trì cơ cấu dân số hợp lý, phục vụ sự phát triển bền vững.
Tại lễ kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Nhà nước luôn nhất quán quan điểm lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững. Từ Nghị quyết số 21-NQ/TW cho tới các điều chỉnh gần đây của Đảng và Nhà nước đều cho thấy rõ sự chuyển hướng chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển – một chiến lược lâu dài, toàn diện, linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn mới.
Như vậy, việc ban hành Hướng dẫn 15/2025 và việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số theo hướng không giới hạn số con là bước đi phù hợp, thể hiện sự thích ứng chính sách kịp thời của Đảng và nhà nước. Đồng thời, bám sát định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư và tinh thần Nghị quyết 21 nhằm đảm bảo phát triển dân số bền vững, cân bằng lợi ích cá nhân, xã hội và quốc gia.