Toàn cảnh công xưởng sản xuất ma túy ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: H.H
Sau nhiều tháng điều tra bí mật, lực lượng chức năng đã triệt phá thành công đường dây sản xuất ketamin lớn nhất Việt Nam, thu giữ 1,4 tấn ma túy. Chuyên án được thực hiện với sự tham gia của 200 cán bộ, chiến sĩ, bất ngờ đột kích xưởng sản xuất tại Nha Trang, bắt quả tang các đối tượng ngay trong quá trình tinh chế ma túy.
Từ tháng 8/2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đã đưa tổ chức tội phạm này vào tầm ngắm sau khi nhận được thông tin phối hợp từ lực lượng phòng chống ma túy Trung Quốc. Theo đó, hai nghi phạm từng có tiền sử sản xuất chất cấm đã nhập cảnh vào Việt Nam, kèm theo dấu hiệu bất thường khi một lượng lớn ống thủy tinh – vật dụng thường dùng trong phòng thí nghiệm được vận chuyển vào trong nước.
Ban đầu, việc xác định hành vi phạm tội gặp nhiều khó khăn do ống thủy tinh không phải là tang vật rõ ràng và có thể được sử dụng vào nhiều mục đích hợp pháp. Tuy nhiên, sau một tháng theo dõi chặt chẽ, trinh sát của C04 đã làm rõ đây là một tổ chức sản xuất ma túy tinh vi, lợi dụng Việt Nam làm địa điểm đặt “công xưởng” nhằm né tránh sự truy quét của cơ quan chức năng quốc tế.
Trước tình hình đó, chuyên án mang bí số 199Đ được lập ra, huy động các trinh sát dày dạn kinh nghiệm cùng nhiều lực lượng nghiệp vụ tham gia thu thập chứng cứ, xây dựng kế hoạch triệt phá, thành công bóc gỡ đường dây sản xuất ma túy quy mô lớn này.
Tại Khánh Hòa, cảnh sát xác định kẻ cầm đầu đường dây là Trương Xuân Minh, 51 tuổi, quốc tịch Đài Loan. Để tạo vỏ bọc hợp pháp và duy trì hoạt động lâu dài, Minh sống như vợ chồng với Phạm Thị Lệ Hân, 30 tuổi, một phụ nữ địa phương nhằm xây dựng “cơ sở vững chắc”. Đồng hành với Minh còn có Đoàn Văn Hùng, 42 tuổi, người thông thạo địa bàn và đóng vai trò “cánh tay phải” trong toàn bộ đường dây.
Nhằm che giấu hành vi phạm tội, Minh tự nhận là một doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam đầu tư nuôi cá cảnh. Tháng 11/2024, hắn cho người đứng tên thuê một khu đất rộng 1.000 m² tại khu vực nghĩa trang phía Bắc, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang – nơi hẻo lánh, ít người qua lại và có đường vào khó tiếp cận. Đồng thời, để phục vụ việc tập kết nguyên liệu, hóa chất và thiết bị, Minh thuê thêm một khu đất rộng 300 m² cách đó hơn 3 km.
Mọi di biến động của nhóm này đều bị lực lượng trinh sát theo dõi sát sao. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Ban chuyên án vẫn chưa xác định được nguồn gốc cũng như cách thức vận chuyển những thiết bị sản xuất ma túy quy mô lớn, hiện đại vào Việt Nam. Qua quá trình phân tích thiết bị và dữ liệu điện tử, trinh sát xác định toàn bộ máy móc được đưa vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch. Sau đó được vận chuyển bằng xe tải cỡ lớn đến các điểm tập kết.
Khu nhà xưởng được canh phòng nghiêm ngặt, bao bọc kín bằng tôn cao nhằm tránh bị phát hiện. Hệ thống camera giám sát dày đặc được lắp đặt cùng với chó nghiệp vụ và người canh gác túc trực 24/24, tạo thành một “pháo đài” bất khả xâm phạm.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, tội phạm ma túy thường có bản chất đa nghi, liều lĩnh và hoạt động hết sức tinh vi. Vì vậy, quá trình theo dõi và giám sát phải được thực hiện trong bí mật tuyệt đối, kéo dài hàng tháng trời. Các trinh sát được chia thành nhiều tổ, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ, âm thầm bám sát nghi phạm từ khoảng cách an toàn để tránh lộ dấu vết.
“Điều chúng tôi lo ngại nhất là chúng lợi dụng Tết để sản xuất ồ ạt, rồi tháo chạy nên tất cả cán bộ đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, kể cả mùng một Tết” – Trung tướng Viện nói.
Theo ông, thời điểm phá án là yếu tố then chốt quyết định thành công. Nếu hành động quá sớm, ketamin chưa được sản xuất ra; nếu quá muộn, các đối tượng có thể xóa dấu vết và tẩu thoát. “sai thời điểm thì không đảm bảo an toàn” – ông nhấn mạnh.
Đến giữa tháng 3, chỉ một tuần trước khi chuyên án được triển khai, lực lượng trinh sát xác định nhóm của Trương Xuân Minh đã sản xuất được 1,8 tấn bột phụ gia màu vàng, đóng gói trong 27 thùng xốp. Chúng lấy danh nghĩa doanh nghiệp sản xuất chất tạo bọt xử lý nước thải để gửi hàng vào một kho đông lạnh tại Nha Trang, cách xa khu xưởng ở khu nghĩa trang. Chủ kho, không hề hay biết, cứ tưởng đó là hàng đông lạnh như hải sản. Tuy nhiên, khi ngửi thấy mùi hắc bốc ra, người này đã yêu cầu chuyển đi.
Ngay sau đó, nhóm Minh nhanh chóng thu hồi toàn bộ số hàng, đem đốt trong hơn một giờ đồng hồ nhằm xóa sạch dấu vết. “Lúc này, chúng tôi xác định chúng sẽ không dùng lại cách thức để đông lạnh phụ gia như thế này” – ông Viện cho biết.
Cùng thời điểm, trinh sát ghi nhận nhóm này liên tục mua nhiều bình gas, bếp gas công nghiệp, xoong quân dụng, bông gòn và khẩu trang. Thông qua thiết bị giám sát chuyên dụng, tổ trinh sát vòng ngoài phát hiện các đối tượng đang sử dụng muỗng dài khuấy các nồi xoong quân dụng – hành động trông giống như đang “nấu cháo”. Ban chuyên án nhận định đây chính là giai đoạn cuối trong quy trình sản xuất ma túy. “khuấy như kia để sinh nhiệt thì chỉ cần 2 giây là ra ketamin” – ông Viện phân tích.
Hồi hộp và căng thẳng đến nghẹt thở, Trung tướng nhiều lần nhắc lại cảm xúc trong cuộc họp xuyên đêm của Ban chuyên án. Hàng chục phương án được đưa ra, nhưng ông quyết định sẽ tùy theo tình hình tại hiện trường để lựa chọn thời điểm hành động chính xác nhất.
“Nếu không bắt được quả tang thì vụ án không thành công. Nếu bắt khi mọi việc đã rồi thì chúng sẽ cãi là đến đây để làm thuê, sản xuất phân lân hay các loại chất khác để trồng cây. Kinh nghiệm qua nhiều vụ án càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm bắt quả tang bằng được” – Trung tướng Nguyễn Văn Viện – người dày dạn kinh nghiệm phá án ma túy nhấn mạnh.
Chốt lại chuyên án, lực lượng chức năng đã chọn thời điểm chính xác khi các nghi phạm đang tiến hành sản xuất ma túy để bất ngờ ập vào, đảm bảo bắt quả tang tại chỗ – yếu tố quyết định thành công.
Rạng sáng 22/3, Trung tướng Nguyễn Văn Viện trực tiếp chỉ huy 200 cán bộ thuộc công an, hải quan và các đơn vị phối hợp, đồng loạt đột kích ba địa điểm tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chiến dịch được triển khai theo phương châm “bí mật – bất ngờ – thần tốc”.
Để đề phòng các đối tượng chống trả bằng axit – thủ đoạn từng xuất hiện trong các vụ án tương tự ở nước ngoài, tổ trinh sát chủ công được trang bị quần áo quân dụng, mặt nạ chống độc và thiết bị bảo hộ đặc biệt.
Do bị đánh úp giữa lúc đang sản xuất ketamin, các đối tượng không kịp trở tay. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 11 nghi phạm, bao gồm cả một đối tượng đang ở nhà nghỉ với bạn gái vào thời điểm đó.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Trương Xuân Minh tổ chức quy trình sản xuất ma túy thành hai giai đoạn riêng biệt. Toàn bộ hoạt động được thực hiện chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng để tránh bị phát hiện. Sau khi hoàn thành mỗi giai đoạn, Minh cho toàn bộ công nhân nghỉ việc, tuyển nhóm người mới để tránh lộ diện hoặc bị theo dõi xuyên suốt.
Trong giai đoạn đầu, Minh cho xây dựng xưởng và sản xuất chất phụ gia. Giai đoạn hai là quá trình tinh chế ra ma túy ketamin. Minh tuyển thêm 4 người Việt Nam và 2 người Trung Quốc có kiến thức chuyên sâu về công nghệ sản xuất chất cấm. Công đoạn cuối được thực hiện tại kho xưởng số 47 đường Cát Lợi, TP Nha Trang, nơi nhóm này cho ra đời sản phẩm ketamin thành phẩm.
Khám xét toàn bộ các địa điểm liên quan, cảnh sát thu giữ tổng cộng 1,4 tấn ketamin có độ tinh khiết cực cao – lên tới 99% cùng gần 80 tấn hóa chất và nguyên liệu phục vụ sản xuất ma túy. Đây được đánh giá là một trong những chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với quy mô cực kỳ chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi và thiết bị hiện đại.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện đánh giá, nhóm tội phạm trong chuyên án lần này không chỉ có tổ chức chặt chẽ mà còn sở hữu kinh nghiệm và tay nghề cao trong việc sản xuất ma túy. Điều đáng chú ý là toàn bộ số ketamin sản xuất ra – lên tới 1,4 tấn – đều chưa kịp được tiêu thụ.
Dựa trên lời khai ban đầu và quá trình điều tra, Trung tướng Viện nhận định nhiều khả năng sau khi hoàn tất quy trình sản xuất, nhóm này sẽ vận chuyển toàn bộ số hàng về Đài Loan. Tại thị trường chợ đen ở đây, một kg ketamin có giá khoảng một tỷ đồng, đồng nghĩa với lô hàng này trị giá lên đến 1.400 tỷ đồng nếu trót lọt.
Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần ngăn chặn một lượng ma túy khổng lồ tuồn ra nước ngoài. Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ ban hành văn bản hướng dẫn gửi đến công an các địa phương nhằm hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về cách nhận diện xưởng sản xuất ma túy – vốn thường được nguỵ trang dưới vỏ bọc cơ sở sản xuất thông thường.
Theo đó, các dấu hiệu nhận biết có thể bao gồm: cơ sở tiêu thụ lượng điện lớn bất thường, nhất là vào ban đêm; có sự xuất hiện của nhiều loại hóa chất nặng mùi, đặc biệt là mùi hắc, mùi axit; nước thải xả ra môi trường có màu lạ, mùi hôi, gây ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh; cơ sở thường che chắn kín mít, lắp nhiều camera, hạn chế người tiếp cận và có người canh gác. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu này có thể giúp người dân phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn từ gốc các hoạt động sản xuất ma túy nguy hiểm trong cộng đồng.