Phát triển nông nghiệp bền vững: Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN&PTNT), chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, có trách nhiệm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trọng điểm là chương trình tại Đồng Tháp.
Nông dân tham gia một lớp tập huấn.
Nông dân tham gia một lớp tập huấn.

Hướng đến nông nghiệp xanh, an toàn môi trường và bảo vệ sức khỏe

Theo Cục BVTV, việc phối hợp với các cấp chính quyền và đối tác trong ngành BVTV đã thúc đẩy nhiều chương trình hành động thiết thực. Đặc biệt, chương trình tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm tại Đồng Tháp đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao ý thức và thay đổi thói quen của người nông dân.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, Cục đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và mạng lưới đối tác trong ngành BVTV xây dựng nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về việc sử dụng an toàn, hiệu quả vật tư nông nghiệp. Trong đó có thuốc BVTV.

Chương trình được thực hiện nhằm hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận các chương trình tập huấn về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn và hiệu quả trên các cây trồng chủ lực, nâng cao nhận thức và thực hành trong sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, giúp giảm tình trạng lạm dụng thuốc BVTV. Xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn và chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu. Đồng thời, đối với một số loại cây trồng chủ lực, thực hiện xây dựng mô hình canh tác bền vững kết hợp với tập huấn về sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại. Tuyên truyền, phát động chiến dịch thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng. Bổ sung bình chứa bao gói thuốc BVTV trên đồng ruộng và kho lưu chứa tại các mô hình.

Báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho thấy, đến cuối năm 2024, chương trình đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.700 nông dân, gần 1.000 đại lý vật tư nông nghiệp và 100 cán bộ kỹ thuật địa phương về kỹ thuật sử dụng và buôn bán thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm. Hơn 3.700 bộ đồ bảo hộ đã được cấp phát để bảo vệ sức khỏe nông dân trong quá trình phun và pha chế thuốc.

Đồng thời, phối hợp các bên triển khai các mô hình canh tác bền vững kết hợp tập huấn thực tế trên các cây trồng chủ lực của tình như: lúa, hoa cảnh, sầu riêng, ớt, xoài và cây có múi. Chương trình được thực hiện trên 6 mô hình với tổng diện tích trên 350ha, thu hút hơn 600 hộ nông dân tham gia.

Đáng chú ý, chỉ trong vòng hai năm 2022 đến 2023, chương trình đã thực hiện 36 đợt thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV, với tổng khối lượng thu gom đạt hơn 21 tấn. Đây là nỗ lực quan trọng nhằm bảo vệ môi trường và xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Theo đại diện Cục BVTV, kết quả từ chương trình cho thấy, người nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận với các phương pháp canh tác mới, thân thiện với môi trường. Chính quyền địa phương có vai trò xây dựng các chính sách, bộ công cụ để nông dân dễ dàng tiếp cận kiến thức và ứng dụng vào thực tế sản xuất, từ đó lựa chọn đúng các loại VTNN, gói kỹ thuật, thu được lợi nhuận cao đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường.

Kế hoạch mở rộng trong năm 2025

Trong thời gian qua, Cục BVTV đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành 4 đề án quan trọng, bao gồm: Đề án bảo vệ sức khỏe tổng hợp cây trồng (IPHM), Đề án phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học, Đề án tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và Đề án sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng. Các đề án này đều hướng tới mục tiêu giảm dần việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, ưu tiên các giải pháp sinh học, phân hữu cơ; tăng cường các gói kỹ thuật thân thiện với môi trường, hướng đến một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, an toàn.

Thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. (Ảnh trong bài: MN/baodongthap.vn)
Thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. (Ảnh trong bài: MN/baodongthap.vn)

Cục BVTV cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp và các hiệp hội trong việc đồng hành cùng nông dân. Sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuốc BVTV trong hoạt động tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn giúp người nông dân được sử dụng các  loại vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả; cơ quan quản lý nâng cao trình độ quản lý VTNN.

Bước sang năm 2025, Cục BVTV cho biết sẽ tiếp tục hợp tác các bên để tiếp tục nâng cao các thành tích đã đạt được trong 3 năm qua; đặt mục tiêu mở rộng chương trình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm sang các cây trồng chủ lực khác phù hợp với định hướng xuất khẩu của từng địa phương. Đồng thời, sẽ triển khai tập huấn sử dụng an toàn thiết bị bay không người lái (drone) trong việc phun thuốc BVTV và giới thiệu chương trình đào tạo trực tuyến cho nông dân về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Với những kết quả đã đạt được, chương trình tại Đồng Tháp được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình thí điểm thành công, tạo tiền đề để nhân rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, an toàn.