Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: VGP
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Tại Phiên họp Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh cần tháo gỡ rào cản, cải cách chính sách và xây dựng mô hình tăng trưởng mới để Việt Nam bắt kịp xu thế.
Kể từ khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, ĐMST và CĐS đã trở thành các lĩnh vực quan trọng trong việc chỉ đạo và điều hành các hoạt động phát triển. Trên toàn cầu, ĐMST hiện được xem là một trong những chỉ số phát triển then chốt, đóng vai trò định hướng chiến lược cho sự phát triển của các quốc gia không chỉ riêng Việt Nam.
Gần đây, trong chuyến thăm Singapore, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) với chủ đề “Chính sách phát triển KHCN, ĐMST & CĐS của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và cơ hội hợp tác Việt Nam – Singapore”. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển KHCN, ĐMST và thực hiện chiến lược CĐS, coi đây là “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu và vươn lên kịp thời đại.
Với kỷ nguyên mới, ĐMST và CĐS quốc gia đang trở thành yêu cầu thiết yếu đối với sự phát triển. ĐMST kết hợp với khoa học công nghệ (KHCN) là nền tảng để thực hiện CĐS góp phần quan trọng nâng cao đời sống của nhân dân, hướng đến các mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng vào năm 2045.
Trong cuộc họp gần đây với Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu và làm rõ khái niệm “mô hình tăng trưởng mới” cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Ông nhấn mạnh, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, KHCN, ĐMST, CĐS và chuyển đổi xanh chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra mô hình tăng trưởng mới.
Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ các rào cản, khó khăn và vướng mắc trong thể chế để xây dựng nền tảng phát triển vững chắc. Việc xây dựng và ban hành pháp luật hiện nay đang được thực hiện theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế nhằm tránh tình trạng chậm trễ do chờ đợi luật và cơ chế. Cần phải nghiên cứu và cải cách mạnh mẽ hơn nữa các quy trình và chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển, đồng thời xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, kinh doanh minh bạch và an toàn với chi phí thấp như chỉ đạo của Tổng Bí thư.