Các chuyên gia quốc tế đánh giá sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nền điện ảnh thế giới tại cuộc toạ đàm. Ảnh: Báo Nhân Dân
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã tổ chức buổi tọa đàm “Hợp tác sản xuất phim Việt Nam – Mỹ” tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình quảng bá điện ảnh Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Tiến sĩ Ngô Phương Lan khẳng định, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với khát vọng vươn lên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là điện ảnh. Những năm gần đây, sự xuất hiện của thế hệ các nhà làm phim trẻ tài năng cùng với sự phát triển của các mô hình đào tạo chuyên nghiệp đã góp phần tạo nên nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cho ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Đồng thời, lợi thế về cảnh quan tự nhiên đa dạng, chính sách hỗ trợ ngày càng tích cực từ Chính phủ và các cơ hội hợp tác quốc tế đang tạo ra những tín hiệu tích cực cho sự phát triển của điện ảnh Việt.
Tại sự kiện, nhà sản xuất phim Hollywood Matt Del Piano bày tỏ sự quan tâm đến khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của ngành điện ảnh quốc tế từ phía các đối tác Việt Nam. Đáp lại, Tiến sĩ Ngô Phương Lan khẳng định Việt Nam đã có đội ngũ nhân sự đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn cao. Mặc dù thị trường điện ảnh trong nước vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đưa phim ra quốc tế, một số bộ phim Việt Nam đã thành công khi ra rạp ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng rõ rệt về thị phần quốc tế.
Một trong những điểm nổi bật được nhấn mạnh là chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các đoàn làm phim quốc tế khi đến Việt Nam. Dù Việt Nam chưa áp dụng cơ chế hoàn thuế trực tiếp như nhiều quốc gia khác, nhưng thủ tục cấp phép sản xuất phim đã được cải tiến đáng kể. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cam kết hỗ trợ tối đa, bao gồm mức giá ưu đãi về dịch vụ, chi phí nhân công, lưu trú… giúp giảm chi phí đáng kể cho các đoàn làm phim. Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, ông Hoàng Anh Tuấn tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án phim quốc tế, hướng tới xây dựng hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho ngành điện ảnh toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nhận định rằng số lượng phim quốc tế quay tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, độc đáo, có thể trở thành bối cảnh lý tưởng cho các tác phẩm điện ảnh tầm cỡ, nhưng vẫn thiếu các giải pháp kết nối hiệu quả giữa các nhà làm phim trong và ngoài nước. Điều cần thiết là phải xây dựng một hệ thống chính sách ưu đãi rõ ràng, dễ tiếp cận đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà sản xuất nước ngoài.
Ngoài ra, hệ thống studio trong nước hiện vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các thị trường điện ảnh lớn. Vì vậy, cần đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Những cảnh quan thiên nhiên nổi bật của Việt Nam cũng cần được quy hoạch và phát triển thành những “trường quay ngoài trời” chuyên biệt, vừa phục vụ sản xuất điện ảnh, vừa thúc đẩy du lịch.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo chuyên sâu, mở rộng hợp tác quốc tế để không chỉ tăng về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng nguồn lực. Đồng thời, cần có chiến lược truyền thông bài bản nhằm quảng bá điện ảnh Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, tận dụng các nền tảng số và dịch vụ phát hành phim trực tuyến để đưa sản phẩm điện ảnh Việt đến với khán giả quốc tế một cách hiệu quả hơn.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim quốc tế và nâng cao khả năng xuất khẩu phim ra thị trường thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ. Từ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách hợp tác giữa Việt Nam và các nền điện ảnh lớn. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh trong nước mà còn góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.