Không khí ô nhiễm tại Hà Nội. Ảnh: H.M
Ngày 21/1, tọa đàm về “Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp (Low Emission Zone – LEZ)” được tổ chức tại Hà Nội, với mục tiêu thảo luận các giải pháp hiệu quả và khả thi để triển khai LEZ tại thành phố này.
Trong những ngày qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân. Từ tháng 11/2024 đến nay, thành phố đã trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Theo nghiên cứu và kiểm kê của Bộ TN&MT (Tài nguyên và Môi trường) cùng Ngân hàng Thế giới, giao thông, bao gồm cả bụi đường là nguồn gây ô nhiễm chính, chiếm từ 58 đến 74% tổng lượng ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định: “Chúng ta không thể điều khiển khí hậu, nhưng có thể kiểm soát các yếu tố gây ô nhiễm, như phát thải từ phương tiện giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân mà chúng ta có thể tác động để giảm thiểu ô nhiễm”.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT cho biết, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng các sở, ngành xây dựng báo cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội. Đây là một động thái quyết liệt, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với vấn đề ô nhiễm không khí.
Theo dõi từ website của Tổng cục Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí đang gia tăng qua các năm và là một vấn đề đáng lo ngại. Chất lượng không khí chịu ảnh hưởng lớn từ khí hậu thời tiết, đặc biệt vào cuối năm. Do đó cần phải nhìn nhận tổng thể để phân biệt nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ô nhiễm.
Bà Ánh cho biết, ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu xuất phát từ 6 nhóm nguyên nhân: Xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, đốt mỏ, dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm không khí thường gia tăng vào dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế – xã hội đạt cao điểm, cùng với việc xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập và các nhà máy, xí nghiệp tăng công suất tối đa dẫn đến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.
Ngoài các nguyên nhân đã được chỉ ra trong nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác… còn cần phải nghiên cứu các khu vực ảnh hưởng đến chất lượng không khí Hà Nội. Ví dụ, hoạt động của các nhà máy xi măng ở Hà Nam hay việc đốt rơm rạ ở Thái Bình có thể tác động tới môi trường Hà Nội. Việc kiểm soát các nguồn phát thải này là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng không khí tại Thủ đô. Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt, năm nay tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn do ít mưa.
Để giảm ô nhiễm không khí từ giao thông, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện LEZ từ 1/1/2025. Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, theo thống kê quý IV/2024, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội đạt mức “kém” 48,91% và mức “xấu” 44,37%, khiến chất lượng không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
LEZ sẽ được thí điểm tại các quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, những khu vực có mật độ dân cư đông và tiềm năng phát triển LEZ. Bà Chi cho biết, trong năm 2025, giải pháp LEZ sẽ tập trung vào phương tiện giao thông, khuyến khích các phương tiện xanh và cấm các phương tiện không đạt tiêu chuẩn phát thải.
Khi triển khai thí điểm LEZ, các cơ chế đặc thù sẽ được áp dụng như thuế phí, khoanh vùng khu vực, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và cá nhân, hệ thống camera giám sát, và dán tem cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh và sạch.