Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 chính thức khai mạc
Vào hồi 9h sáng nay, ngày 19/12, Triển lãm Quốc phòng quốc tế (QPQT) Việt Nam lần thứ hai năm 2024 đã chính thức khai mạc. Triển lãm được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời chia sẻ chính sách, đường lối đối ngoại quốc phòng; chủ trương xây dựng quân đội cũng như phát triển nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNQP
Triển lãm QPQT Việt Nam 2024 là nơi các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, khí tài hiện đại dành cho Hải quân, Lục quân, Phòng không – Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Sự kiện thu hút 56 đoàn khách quốc tế từ 36 quốc gia, trong đó có sự tham dự của các đoàn cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng. Ngoài các gian trưng bày, nhiều hoạt động bên lề đặc sắc như giao lưu quân nhạc ASEAN, biểu diễn nghệ thuật, hội thảo chuyên đề về vũ khí công nghệ cao và thiết bị không người lái cũng được tổ chức, tạo điểm nhấn cho triển lãm.
Các sản phẩm của Việt Nam trưng bày tại triển lãm bao gồm thành quả nghiên cứu, chế tạo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (BQP – gồm Tổng cục CNQP, Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Binh chủng Tăng – thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel) và các công ty thương mại, dịch vụ của BQP.
Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, nhấn mạnh rằng triển lãm không chỉ là cơ hội để các quốc gia, DN trong nước, quốc tế giới thiệu năng lực sản xuất, chế tạo quốc phòng mà còn mở rộng hợp tác, tăng cường hợp tác quốc tế về CNQP, đa dạng hoá các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận và tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị kỹ thuật, trang bị hậu cần hiện đại đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang.
Triển lãm cũng là dịp để Việt Nam tìm hiểu xu thế phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại trên thế giới để đề xuất mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội; quảng bá năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do CNQP Việt Nam sản xuất đến đông đảo đồng bạn quốc tế và Nhân dân trong nước; tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm CNQP ra thị trường thế giới.
Viettel giới thiệu hơn 80 sản phẩm tại triển lãm
So với lần tổ chức đầu tiên vào năm 2022, số lượng chủng loại khí tài trang bị của QĐND Việt Nam được giới thiệu đã tăng từ 49 lên 68, trong khi số lượng sản phẩm công nghiệp quốc phòng trong nước tăng từ 313 lên 468 sản phẩm. Triển lãm lần này cũng ứng dụng các công nghệ trình chiếu hiện đại như 3D mapping, thực tế ảo (VR) và các mô hình sa bàn tái hiện các chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, mang lại trải nghiệm chân thực cho người tham quan. Triển lãm trên không gian mạng với màn hình tương tác và công nghệ VR cũng được triển khai, giúp quốc tế hóa sự kiện và tiếp cận đông đảo người quan tâm.
Những đối tác quốc tế từ các quốc gia hùng cường về CNQP như Mỹ, Nga, Italia… đã tham gia trưng bày các vũ khí, khí tài quân sự hiện đại như máy bay C130, tổ hợp chống UAV RB-504P-E và máy bay huấn luyện trên tổng diện tích hàng nghìn mét vuông. Tổng cộng hơn 140 công ty từ 28 quốc gia tham gia trưng bày trong nhà, vượt xa dự kiến ban đầu của Ban tổ chức Triển lãm.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là đơn vị có diện tích trưng bày lớn nhất tại triển lãm với tổng diện tích 2.600m², giới thiệu hơn 80 sản phẩm công nghệ cao thuộc 10 lĩnh vực, bao gồm: radar, khí tài quang – điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, UAV, khí tài hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và nhóm sản phẩm khác.
So với năm 2022, số lượng sản phẩm của Viettel tăng hơn 20 sản phẩm, trong đó có nhiều thiết bị tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như máy bay không người lái UAV cự ly 1.000km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming)…
Tin mới nhất
Văn hoá và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.