Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 đã giới thiệu nhiều khí tài quân sự mới, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Quốc phòng Việt Nam. Sự kiện không chỉ khẳng định sức mạnh, đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn thể hiện cam kết hợp tác hoà bình của đất nước.
Triển lãm đã quy tụ 242 đơn vị đến từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có sự góp mặt của nhiều tập đoàn quốc phòng lớn đến từ các quốc gia nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến như Nga, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, Mỹ…
Các sản phẩm trưng bày bao gồm các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho các lực lượng Hải quân, Lục quân, Phòng không – Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Việt Nam tham gia triển lãm với sự góp mặt của 69 chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị QĐNDVN sản xuất, là sản phẩm của “tự chủ CNQP” như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục CNQP, các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng (Tổng cục CNQP, Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Binh chủng Tăng – thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự)…
So với Triển lãm lần thứ nhất năm 2022, số lượng khí tài năm nay tăng 19 chủng loại, nâng tổng số lượng sản phẩm Quốc phòng lên đến 468 sản phẩm, tăng 155 sản phẩm.
Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật CNQP (GAET) trực thuộc Tổng cục CNQP là đầu mối thương mại cho triển lãm, đồng thời cũng có gian hàng trưng bày. Đại tá Phan Chiến Thắng, Tổng Giám đốc GAET cho biết, thời gian qua, công ty đã tích cực xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động gặp gỡ, hợp tác với hơn 200 đối tác trong và ngoài nước, đạt tổng diện tích gian hàng lên đến 3.400m2.
Công nghiệp Quốc phòng phát triển theo hướng nhiều công dụng
TP-150 được thiết kế bởi Công ty Flying Legend Italy và sản xuất tại nhà máy của Công ty Flying Legend Vietnam, được đánh giá là loại máy bay huấn luyện cơ bản và tuần tra dành cho quân đội, phát triển thông qua liên doanh hợp tác giữa Italy và Việt Nam. TP-150 được coi là bước đi đầu tiên của ngành sản xuất máy bay của Việt Nam. Các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Nam Mỹ, Bắc Phi và khu vực châu Á – Thái Bình Dương và chủ yếu phục vụ cho lực lượng không quân của nước này.
Ông Trần Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Flying Legend Vietnam chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi chiếc TP150 này được trưng bày trong triển lãm quốc phòng quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Chiếc máy bay nhỏ bé của chúng tôi đứng cạnh những cỗ máy khổng lồ như C130J hay chiến đấu cơ A-10 do Mỹ sản xuất, một cảm giác vừa tự hào vừa đầy thách thức, nhận ra còn rất nhiều điều chúng tôi phải làm”
Chiếc máy bay này đóng góp vào việc thực hiện hóa Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp mới được Quốc hội thông qua.
Hy vọng với tên gọi “Flying”
Ông Nguyễn Hoài Nam, một trong ba thành viên sáng lập ý tưởng sản xuất máy bay mong muốn:” Chúng tôi hy vọng Legend Vietnam sẽ trở thành một điển hình doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng của Việt Nam”
Với tổng diện tích trưng bày lên đến 2.600m2, Viettel là đơn vị có khu vực trưng bày lớn nhất tại Triển lãm lên đến 120 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và dân sự, 80 sản phẩm trong lĩnh vực CNQP công nghệ cao thuộc 10 ngành gồm: Radar, khí tài quang – điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, UAV, khí tài hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và nhóm sản phẩm khác.
So với Triển lãm QPVN 2022, số lượng sản phẩm trưng bày tại Triển lãm lần này của Viettel tăng hơn 20 sản phẩm.Trong đó, nhiều sản phẩm phục vụ tác chiến hiện đại như máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beamforming)…
Hệ sinh thái sản phẩm của Viettel được xây dựng theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới, với những chức năng như trinh sát, thu thập thông tin – truyền nhận thông tin – xử lý thông tin để ra quyết định – vũ khí công nghệ cao trên các môi trường tác chiến trong vũ trụ, trên không, trên biển, trên bộ và không gian mạng.
Một trong những khí tài quân sự hiện đại do chính Việt Nam nghiên cứu và sản xuất được trưng bày khu vực ngoài trời Triển lãm QPQTVN 2024 chính là tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn. Tổ hợp tên lửa đất đối hải Trường Sơn do Tập đoàn Viettel nghiên cứu và phát triển. Các thành phần cấu thành tổ hợp tên lửa Trường Sơn VCS-01 gồm: xe nạp tên lửa VTRV-01, xe chỉ huy điều khiển VCPV-01, xe bệ phóng VLV-01, ra đa cảnh giới và chỉ thị mục tiêu VRS-MCX và đạn tên lửa diệt hạm Sông Hồng VSM-01A.
Trong tổ hợp Trường Sơn này, tên lửa đối (chống) hạm với tên gọi Sông Hồng VSM-01A là thành phần chiến đấu chính, với nhiệm vụ đánh chặn các tàu chiến mặt nước. Tên lửa chống hạm Sông Hồng VSM-01A với tốc độ bay cận âm và có tầm bắn xa lên tới 80km. Đi kèm với đó là hệ thống ra đa theo dõi và chỉ thị mục tiêu của tổ hợp Trường Sơn có tầm quét khoảng 200km, có thể đáp ứng khả năng tiêu diệt các tàu nổi, mục tiêu trên biển của đối phương.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Mục tiêu chiến lược của Viettel trong việc nghiên cứu sản xuất công nghệ cao là tạo ra các sản phẩm lưỡng dụng, hiện đại thông minh hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, uy lực hơn. Các sản phẩm quân sự công nghệ cao của Viettel sẽ phù hợp với điều kiện môi trường, phương thức tác chiến của QĐNDVN và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế”.
Là doanh nghiệp duy nhất sản xuất và cung cấp cao su kỹ thuật cao phục vụ Quân đội và phát triển kinh tế – xã hội đất nước, Nhà máy Z175 có một gian hàng tại Triển lãm QPQTVN 2024.
Năm nay, đơn vị sẽ giới thiệu 40 chủng loại sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn chi tiết cao su kỹ thuật cao đang được sản xuất tại nhà máy nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu “Cao su 75” đến đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế. Đặc biệt năm nay, Nhà máy Z175 trưng bày một số sản phẩm mới lần đầu giới thiệu, trong đó có các loại lốp xe quân sự, guốc xích xe tăng, xe thiết giáp, bể dầu mềm…
Đến với Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Nhà máy Z131 (Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31), Tổng cục CNQP có 2 vị trí trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, chủ đạo của đơn vị trong thời gian qua.
Tại gian hàng chung của Tổng cục CNQP, Nhà máy Z131 trưng bày 4 chủng loại sản phẩm quốc phòng, đạn sát thương, phương tiện bay không người lái và vũ khí mở cửa cho bộ binh. Vị trí thứ hai tại gian hàng riêng, đơn vị trưng bày 18 chủng loại sản phẩm quốc phòng, 8 loại sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp và 13 loại sản phẩm cơ khí, nhựa. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng video clip giới thiệu về sản phẩm và các dây chuyền sản xuất, thử nghiệm sản phẩm.
“Phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng sẽ khai thác tốt tiềm năng, phát huy tốt nội lực trong xây dựng, phát triển CNQP để đáp ứng đồng thời các yêu cầu của quốc phòng, an ninh và yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thượng tá, TS. Nguyễn Đức Thi, Giám đốc Nhà máy Z131 cho biết.