Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: MOET
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT vào ngày 30/12/2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Trong đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi về các quy định mới về dạy thêm, học thêm.
Theo quy định mới, học sinh tiểu học sẽ không được học thêm, trừ các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao và kỹ năng sống. Đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường, việc dạy thêm cũng không được phép. Việc dạy thêm trong trường học là không thu phí và chỉ áp dụng cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng môi trường học đường không có dạy thêm, học thêm. Thay vào đó, học sinh sẽ được khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật sau giờ học. Mục tiêu là giúp học sinh phát triển toàn diện, không chỉ về kiến thức mà còn về nhân cách, kỹ năng sống và khả năng hòa nhập xã hội.
Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cũng được quy định cụ thể trong thông tư mới. Các tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật,… Giáo viên đang dạy ở trường không được dạy thêm cho học sinh của mình ở ngoài. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của học sinh và ngăn chặn tình trạng giáo viên “lôi kéo” học sinh đi học thêm.
Nếu không thuộc đối tượng được học thêm trong trường, học sinh có thể tự nguyện học ở ngoài. Bộ GD&ĐT không cấm nhu cầu học tập để phát triển bản thân. Tuy nhiên, những người dạy thêm phải tuân thủ quy định của pháp luật, bao gồm đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về lớp học và đảm bảo an toàn, an ninh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc ban hành Thông tư mới về dạy thêm, học thêm là cần thiết để phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, các quy định của Thông tư đang nhận được sự theo dõi, đồng tình từ dư luận xã hội. Để quản lý vấn đề phức tạp này, Thông tư 29 đã đưa ra các quy định cụ thể. Vấn đề còn lại là quá trình thực hiện, trong đó việc “hiểu và làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố then chốt để Thông tư 29 được thực hiện hiệu quả.
Trách nhiệm của các trường học và giáo viên là đảm bảo chất lượng giảng dạy, giúp học sinh đạt chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng cần phù hợp với yêu cầu của chương trình. Đối với những học sinh còn yếu kém, đặc biệt là học sinh cuối cấp, nhà trường và giáo viên có trách nhiệm hỗ trợ các em. Khi chúng ta xác định rõ trách nhiệm này, những vấn đề khác liên quan đến dạy thêm, học thêm sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Có ý kiến cho rằng việc không dạy thêm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta đều biết có giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu vùng xa vẫn luôn tận tâm với nghề dù không dạy thêm. Thực tế, việc này cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhiều nhà giáo tốt cũng phải chịu nhiều mang tiếng. Do đó, quy định mới còn hướng tới việc bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo.
Việc thay đổi luôn đi kèm với những khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, những quy định về dạy thêm, học thêm trong Thông tư mới đều hướng đến một nền giáo dục tốt đẹp hơn. Vì vậy, dù bước đầu có thể gặp khó khăn, Thứ trưởng hy vọng rằng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm trong việc thực hiện Thông tư này. Bộ GD&ĐT sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, nhà trường và thầy cô giáo trong quá trình triển khai.
Dạy thêm, học thêm rất cần sự quan tâm của phụ huynh và xã hội. Phụ huynh cần thấu hiểu và tham gia vào quá trình học tập của con, đồng thời nhận thức được vai trò của giáo dục gia đình. Nếu phụ huynh chỉ chú trọng đến thành tích học tập mà bỏ qua các yếu tố khác, hoặc chưa thấy được tầm quan trọng của giáo dục gia đình thì dạy thêm, học thêm vẫn sẽ tồn tại những mặt trái. Bên cạnh đó, sự giám sát của xã hội cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo Thông tư được thực hiện một cách hiệu quả.
“Hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên” là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự hiệu quả. Ảnh: NLĐ
Quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức của toàn xã hội, cùng với việc triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, đổi mới kiểm tra đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng. Các kỳ kiểm tra cần được thiết kế phù hợp, không đánh đố, để học sinh học theo đúng chương trình là có thể đạt kết quả tốt. Cùng với đó, cần tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và đại học. Ví dụ như sử dụng kiến thức phổ thông trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào và không thể thiếu vai trò của thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các quy định được thực hiện nghiêm chỉnh.
Quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ đơn thuần là vấn đề chính sách mà còn là sự thay đổi trong nhận thức của xã hội. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên là rất quan trọng. Giáo viên cần ý thức được trách nhiệm của mình và “nói không” với việc dạy thêm không đúng quy định. Ngoài ra, các chính sách đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là một yếu tố quan trọng. Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách này, trong đó Luật Nhà giáo dự kiến được ban hành sẽ mang lại những lợi ích thiết thực.