Chủ tịch nước Lương Cường
Sáng nay (ngày 15/2), tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), “Ngày hội Sắc Xuân 2025” đã chính thức khai mạc nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống.
“Ngày hội Sắc Xuân 2025” là hoạt động thường niên do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, ngành khối trung ương cùng các địa phương tổ chức.
Chủ tịch nước Lương Cường tham dự sự kiện và gửi lời chúc tết đến đồng bào. Cùng tham gia có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; cùng đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc tại lễ hội, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, “Ngày hội Sắc Xuân 2025” được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng trên cả nước.
Trong suốt những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của 54 dân tộc. Cụ thể là Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành cùng các địa phương tổ chức nhiều sự kiện văn hoá tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Nét độc đáo trong nghi thức, lễ hội của các dân tộc thiểu số đã làm nổi bật lên bức tranh đa sắc màu trong văn hoá Việt, góp phần thu hút và thúc đẩy phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế trong thời hội nhập, tiến tới một kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên cất cánh như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói.
“Ngày hội Sắc Xuân 2025” là một sự kiện văn hoá – chính trị giúp người dân Việt ôn lại, giữ gìn và làm giàu đẹp hơn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh câu nói của giáo sư sử học và nghiên cứu văn hoá Trần Quốc Vượng: “Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất” để nhấn mạnh, nhắc nhở nhiệm vụ quan trọng này.
Được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, “Ngày hội Sắc Xuân 2025” mang ý nghĩa tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, giới thiệu bản sắc, tinh hoa Tết cổ truyền 54 dân tộc anh em đến với khách du lịch trong không khí tưng bừng và phấn khởi của những ngày đầu xuân mới. Năm nay, ngày hội có sự tham gia của hơn 200 người già làng, trưởng bản, nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân đại diện cho các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại ngày hội Xuân, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ niềm vui mừng. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là nền tảng, là sức mạnh nội sinh giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bằng chứng là ý chí chống giặc ngoại xâm, giữ nước, dựng nước trong suốt chiều dài lịch sử cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ trong bối cảnh Việt Nam hiện tại.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, tiếp tục có những chính sách thiết thực để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc.
Ông đánh giá cao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và địa phương tổ chức nên “Ngày hội Sắc Xuân 2025” và nhiều sự kiện mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đậm sắc màu trong dòng chảy văn hoá của các dân tộc. Qua đó, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, giúp khẳng định, lan toả giá trị – bản sắc Việt đến bạn bè quốc tế trong thời kỳ giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đại diện dân tộc Chăm Ninh Thuận, ông Đàng Trí Quyết bày tỏ niềm vinh dự khi được tham gia “Ngày hội Sắc Xuân 2025” và gặp gỡ Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ông nhấn mạnh, đồng bào dân tộc Chăm luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc.
Ông nhấn mạnh, bản sắc văn hóa Chăm là niềm tự hào, là tài sản quý báu được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế hệ. Những nghi lễ như Lễ hội Katê, nghi thức mở cửa tháp, nghệ thuật kiến trúc, âm nhạc, ẩm thực… không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú mà còn góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Ông cùng với đồng bào Chăm luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm giữ gìn và truyền lại những giá trị này cho thế hệ mai sau.
Nhân dịp năm mới, ông gửi lời chúc đến Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mong muốn đất nước ngày càng phát triển, đời sống đồng bào ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trong khuôn khổ lễ hội, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu đã tham gia nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường, nghi thức mở cửa tháp Chăm, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian, đồng thời thăm hỏi và tặng quà cộng đồng các dân tộc.
Đặc biệt, Chủ tịch nước và các đại biểu đến vị trí trồng 3 cây Ban lưu niệm tại Làng dân tộc Mường, loài cây đặc trưng của mảnh đất và con người vùng núi phía Bắc.
Với sự tham gia của đông đảo đồng bào và du khách, “Ngày hội Sắc Xuân 2025” không chỉ là dịp chào đón năm mới mà còn khẳng định tinh thần gắn kết, chung tay gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ngọc Bích