Giá vàng phiên 14/2 đột ngột giảm mạnh sau khi lên sát đỉnh xác lập đầu tuần. Ảnh: Kitco
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2, giá vàng thế giới giảm gần 46 USD, còn 2.882 USD/ounce, chủ yếu do nhà đầu tư bán chốt lời. Trong ngày, giá vàng có lúc chạm mức 2.936 USD, tiến sát kỷ lục 2.942 USD được thiết lập vào đầu tuần.
Theo Peter Grant, chiến lược gia kim loại quý tại Zaner Metals, thị trường vàng chịu tác động từ nhiều yếu tố. Về mặt kỹ thuật, việc vàng không thể chạm mức đỉnh cũ đã tạo ra mô hình hai đỉnh, trong khi một yếu tố khác là nhà đầu tư bán ra để chốt lời.
Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận 7 tuần tăng liên tiếp, chủ yếu do lo ngại căng thẳng thương mại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng hàng loạt đòn thuế đối với các quốc gia. Theo Alex Ebkarian, Giám đốc Tác nghiệp tại Allegiance Gold, giá vàng dự báo sẽ tiếp tục tăng, nhờ vào các yếu tố như thuế nhập khẩu, lạm phát, đồng đô la mất giá và xu hướng chuyển sang vàng vật chất trong năm nay.
Ngày 13/2, ông Trump đã chỉ đạo các quan chức Mỹ xây dựng kế hoạch áp thuế đối ứng với mọi quốc gia áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ. Động thái này được cho là sẽ làm gia tăng lạm phát và thúc đẩy nhu cầu mua vàng trú ẩn.
Dữ liệu công bố gần đây cho thấy doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 1 giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, báo hiệu tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại trong quý đầu năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không giảm lãi suất cho đến tháng 9, do lo ngại về lạm phát. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm tuần trước, cho thấy thị trường việc làm vẫn ổn định, điều này khiến Fed không vội vã cắt giảm lãi suất.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng ghi nhận sự giảm giá. Bạc giảm 0,3% xuống còn 32,2 USD/ounce, bạch kim mất 1% còn 985 USD và palladium giảm 1,1% xuống còn 982 USD. Tuy nhiên, tính chung trong tuần, cả ba kim loại này vẫn ghi nhận mức tăng giá.