Việt Nam hướng tới kỷ nguyên phát triển thịnh vượng
Tình hình đất nước hiện nay vừa mở ra nhiều cơ hội phát triển, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định quyết tâm đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của sự phát triển thịnh vượng. Để đạt được điều này, chúng ta cần đổi mới tư duy, mạnh dạn “cởi trói”, quyết đoán và vượt qua chính mình.
Hội tụ đủ thế và lực
Việt Nam muốn bước sang một kỷ nguyên phát triển mới, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được một nền tảng vững chãi. Nền tảng này không chỉ bao gồm cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại, mà còn đòi hỏi sự thống nhất về tư tưởng và hành động, sự đồng lòng của toàn dân, cũng như phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mang lại những thành tựu to lớn, đưa Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu vươn lên thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế và chính trị thế giới. Quy mô kinh tế tăng gấp 96 lần so với năm 1986, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đời sống người dân cũng được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế – xã hội Việt Nam, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Dự kiến tất cả 15 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng trên 7%, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, giúp Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia đang phát triển thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất toàn cầu.
Năm 2024 ghi dấu ấn với việc hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên chỉ sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình năng lượng trọng điểm khác cũng được triển khai tích cực. Hạ tầng giao thông cũng được chú trọng đầu tư, với việc hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km.
Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật được đẩy mạnh với tư duy đổi mới, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Đủ vững tâm bền chí
“Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ” – Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (diễn ra đầu tháng 12/2024).
Đây chính là thời điểm hội tụ đầy đủ các lợi thế và sức mạnh để đưa đất nước tiến vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển, nối tiếp các giai đoạn lịch sử quan trọng như kỷ nguyên giành độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, khát vọng vươn lên là động lực then chốt cho sự bứt phá của đất nước. Khát vọng này không chỉ giới hạn ở tăng trưởng kinh tế mà còn bao gồm cả việc nâng cao chất lượng sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội và không để ai bị tụt lại phía sau, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta.
Để đạt mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số liên tục trong những năm tới. Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi những giải pháp đột phá và nhanh chóng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đang nỗ lực tháo gỡ các “điểm nghẽn” và xây dựng nền tảng vững chắc để tạo đà cho đất nước “cất cánh”. Trong đó, đổi mới công tác lập pháp theo hướng khuyến khích sáng tạo và tinh gọn bộ máy chính trị là những giải pháp then chốt.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị”.
Các chủ trương, chính sách cho phát triển đã được ban hành đầy đủ, giờ là thời điểm then chốt để chuyển hóa chúng thành hành động thực tế. Mỗi Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo, trăn trở tìm giải pháp phù hợp với đặc thù của mình.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cần có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả” và “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Khát vọng được kiến tạo qua những công trình
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá cao những chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị kể từ sau Hội nghị Trung ương 10. Hệ thống đang vận hành với tinh thần và tốc độ mới, tạo ra động lực và hiệu năng mới cho phát triển kinh tế – xã hội, cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tính cấp bách của công việc phía trước và khẳng định: “Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân”.
Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh rằng sự bứt phá không chỉ dừng lại ở việc thay đổi tư duy mà cần có những hành động đột phá thực sự. Theo tinh thần chỉ đạo đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tỷ lệ tán thành cao.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước”.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, một quyết định mang tính chiến lược nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Điện hạt nhân được xem là nguồn năng lượng sạch và bền vững, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Các chuyên gia đánh giá đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển điện hạt nhân, phù hợp với xu hướng toàn cầu, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép: tăng trưởng kinh tế và đạt Net Zero.
Trước mắt, đến hết năm 2025, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, cùng các công trình trọng điểm khác, và đặc biệt là xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.
Những nỗ lực này nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho một quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng, mang lại cuộc sống hạnh phúc và ấm no cho người dân.
Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ phản ánh khát vọng to lớn, mà còn đề ra những chiến lược cụ thể, nhằm giúp đất nước vượt qua thách thức và mở ra một kỷ nguyên đầy hứa hẹn cho dân tộc.
Tin mới nhất
Cùng chuyên mục:
Về chúng tôi
Văn hoá và Pháp luật – Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.