Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành 2 quyết định đưa 2 di sản của Yên Bái vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Quyết định số 3980/QĐ-BVHTTDL, tập quán văn hóa và tín ngưỡng Lễ Cúng rừng của người Mông ở xã Nà Hẩu (Văn Yên – Yên Bái) được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Tại Quyết định số 3988/QĐ-BVHTTDL, Nghệ thuật trình diễn dân gian Khắp Cọi của người Tày tại huyện Lục Yên và Yên Bình (tỉnh Yên Bái) được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Thầy mo cùng người Mông ở Nà Hẩu (Văn Yên - Yên Bái) thực hành lễ cúng rừng. Ảnh: CTV
Thầy mo cùng người Mông ở Nà Hẩu (Văn Yên - Yên Bái) thực hành lễ cúng rừng. Ảnh: CTV

Được biết rằng Tết rừng hay lễ “Cúng rừng” là nghi lễ tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông ở xã Nà Hẩu trong dịp đầu năm mới. Đây là một dịp để cúng tạ trời đất, thần linh, Thần rừng phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy chuồng. Có thể nói, di sản là điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người Mông, là nơi thực hành và trao truyền trực tiếp vốn văn hóa của cộng đồng.

“Khắp cọi” là loại hình dân ca đặc sắc, có hình thức biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc, đó là lời ca, tiếng hát với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình diễn xướng. “Khắp Cọi” có thể đối đáp giữa hai người, hai bên hoặc trình diễn cá nhân, tập thể. Nhạc cụ được sử dụng khi trình diễn “Khắp cọi” phổ biến có nhị hai dây, sáo ngang và trống.

Khắp Cọi - nghệ thuật ứng tác tinh tế của người Tày ở Yên Bái.(Ảnh: PLVN)
Khắp Cọi - nghệ thuật ứng tác tinh tế của người Tày ở Yên Bái.(Ảnh: PLVN)

Với việc Lễ “Cúng rừng” và Nghệ thuật “Khắp cọi” vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đến nay, tỉnh Yên Bái đã có tổng số 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó năm 2024, đã có 4 di sản được công nhận. 

Hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trước đó được công nhận trong tháng 8 vừa qua là Lễ hội “Gầu tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Xên Đông (Lễ Cúng rừng) của người Thái Nghĩa Lộ.