Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID. Ảnh: Báo PLVN
Với những tính năng vượt trội, nền tảng Bình dân học vụ số sẽ chính thức được khai thác và vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025. Nền tảng này có khả năng phục vụ 400.000 người học đồng thời và cung cấp hơn 3.000 khóa học, hỗ trợ xây dựng chương trình học liệu riêng biệt cho từng nhu cầu học tập.
Tại Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng Bình dân học vụ số vào chiều 26/3, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, nền tảng này được phát triển với sự phối hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các cơ quan, địa phương nhằm phục vụ công tác đào tạo, tập huấn trên phạm vi toàn quốc, góp phần phổ cập tri thức số cho cộng đồng.
Với khả năng đáp ứng đồng thời số lượng lớn người học, nền tảng tích hợp các công cụ theo dõi quá trình học tập, đánh giá mức độ nghiêm túc của học viên và ứng dụng AI trong kiểm tra, giám sát. Hệ thống quản lý chặt chẽ từ khâu đăng ký, học tập đến cấp chứng chỉ, giúp tối ưu hóa chi phí đào tạo, được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể so với phương thức truyền thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, nền tảng đã đào tạo cho hơn 200.000 học viên bao gồm công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang tại 50 địa phương với các chuyên đề về chuyển đổi số và an toàn không gian số. Dự kiến, nền tảng sẽ chính thức đi vào hoạt động trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025.
Để đảm bảo việc phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng các chương trình học liệu phù hợp, dễ hiểu và dễ tiếp cận cho mọi đối tượng, đặc biệt là ở những vùng miền và lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Bộ Công an cũng sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật kết nối nền tảng này với các nền tảng số khác, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, phong trào Bình dân học vụ số sẽ được triển khai mạnh mẽ trong các cấp bộ Đoàn, tập trung vào việc hình thành thói quen ứng dụng chuyển đổi số trong học tập, nghiên cứu, và sinh hoạt của thanh thiếu niên. Đồng thời, công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được đẩy mạnh trong hệ thống tổ chức Đoàn, Đội, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và chuẩn hóa dữ liệu đoàn viên.
Bí thư Trung ương Đoàn nhấn mạnh vai trò của Tổ công nghệ cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tham gia vào nền kinh tế số và sử dụng các nền tảng, dịch vụ số an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, các lớp đào tạo Bình dân học vụ số sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức cả trực tiếp và trực tuyến, để phổ biến kiến thức và kỹ năng công nghệ cho cộng đồng.
Các cuộc thi và giải thưởng sáng tạo cũng sẽ được phát động nhằm khuyến khích thanh niên ứng dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cộng đồng. Qua đó, phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo và xung kích của tuổi trẻ trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.