Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tái định hình thị trường việc làm, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho lao động trẻ tại Việt Nam và trên thế giới. Ảnh: MobileReview
Nhu cầu về kỹ sư AI đang gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo trở thành động lực phát triển công nghệ. Việc đào tạo bài bản giúp trang bị kiến thức chuyên sâu, mở ra cơ hội làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Đầu tư vào nhân lực AI không chỉ đáp ứng xu hướng thị trường mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.
Tại Diễn đàn chính sách “Việt Nam chủ động phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới” vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu cụ thể trong những năm tới: Việt Nam sẽ chủ động đào tạo 100.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định chiến lược coi công nghệ AI là động lực then chốt trong quá trình phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hưởng ứng định hướng đó, Tập đoàn FPT đã công bố chiến lược phát triển giai đoạn 2025 – 2027, lấy AI làm trụ cột trung tâm trong chiến lược “AI First”. FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI và trang bị kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo cho 500.000 người lao động đến năm 2030. Bên cạnh đào tạo, FPT cũng sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm việc xây dựng các “nhà máy AI” tại Việt Nam và Nhật Bản cùng với mở rộng hệ thống trung tâm dữ liệu để nâng cao năng lực tính toán, phục vụ cho nghiên cứu và triển khai các ứng dụng AI quy mô lớn.
Song song với đó, sự kiện ABAII Unitour 25 với chủ đề “Tối ưu hóa quản lý và phát triển sự nghiệp với Blockchain và AI trong ngành kỹ thuật” do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức đã thu hút sự quan tâm lớn tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng. Sự kiện không chỉ cập nhật kiến thức chuyên sâu về các ứng dụng của AI và blockchain trong lĩnh vực quản lý, sản xuất, y tế mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên công nghệ.
Các chuyên gia nhận định, AI đang mở ra tiềm năng phát triển nghề nghiệp vượt trội, với mức thu nhập trung bình cho kỹ sư AI lên tới 200.000 USD/năm – cao gấp nhiều lần so với kỹ sư phần mềm truyền thống. Trong khi đó, công nghệ blockchain được đánh giá là công cụ tối ưu hóa dữ liệu và tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt có tiềm năng lớn trong việc theo dõi và quản lý tín chỉ carbon – yếu tố ngày càng quan trọng trong xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
AI không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới mà còn đặt ra thách thức khi có thể thay thế nhiều công việc truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không nằm ở sự phát triển của công nghệ, mà ở mức độ sẵn sàng, khả năng thích ứng và tư duy đổi mới của lực lượng lao động.
Anh Nguyễn Minh Tú (30 tuổi), kỹ sư phần mềm tại một startup game ở Hà Nội, chia sẻ: “Nếu bắt đầu học AI một cách bài bản từ bây giờ, sinh viên hoàn toàn có cơ hội vươn lên và bắt kịp xu hướng khi ra trường. Nhưng điều cốt lõi là phải học từ gốc, hiểu bản chất thay vì chỉ chạy theo phong trào hay sử dụng công cụ một cách hời hợt. Công nghệ luôn thay đổi, như GenAI đang nổi bật hiện nay, nhưng vài năm tới có thể sẽ là một công nghệ khác lên ngôi. Nắm vững nền tảng sẽ giúp mình linh hoạt và làm chủ mọi sự thay đổi”.
Các nền tảng mạng xã hội đang sôi động với những tranh luận về việc có nên tiếp tục học các thuật toán cốt lõi như machine learning, deep learning khi AI hiện đại đã có thể xử lý nhiều tác vụ phức tạp. Một số ý kiến cho rằng sinh viên nên tập trung vào ứng dụng, trong khi nhiều chuyên gia vẫn khẳng định việc hiểu rõ bản chất công nghệ là điều không thể thay thế.
Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên AI, “chìa khóa” để người trẻ không chỉ thích ứng mà còn tiên phong chính là tư duy nền tảng, khả năng học tập chủ động và sự sáng tạo trong ứng dụng công nghệ. Giá trị không nằm ở việc sử dụng công cụ nào mà ở cách tư duy, giải quyết vấn đề và tạo ra đột phá từ chính công nghệ.