Căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng của nhiều người trẻ, đặc biệt là những người có lối sống không lành mạnh. Ảnh: Internet
Đau đầu thường xuyên, nói khó đột ngột, giảm thị lực, tê hoặc yếu tay chân… là những triệu chứng cảnh báo nguy cơ dị dạng mạch máu não, một bệnh lý có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”.
Dị dạng mạch máu não đe dọa cả người trẻ tuổi
Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do dị dạng mạch máu não. Điều này cho thấy rằng, bệnh không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn có thể ảnh hưởng đến cả người trẻ.
Bệnh nhân 15 tuổi nhập viện trong tình trạng đột ngột đau đầu dữ dội, nhanh chóng rơi vào hôn mê. Tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán bị chảy máu não và đã được đặt ống nội khí quản thở máy, sau đó chuyển gấp đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện, bệnh nhân hôn mê sâu với điểm Glasgow 5, thở máy và đồng tử bên phải giãn. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy chảy máu não đồi thị – não thất do vỡ khối dị dạng thông động-tĩnh mạch (AVM), kèm theo biến chứng giãn não thất cấp, sốt cao liên tục và rối loạn thân nhiệt. Mặc dù đã được hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân nhanh chóng xấu đi, huyết áp tụt, thiểu niệu và hôn mê sâu (Glasgow 3). Sau hai ngày điều trị, bác sĩ giải thích trường hợp người bệnh không còn khả năng cứu chữa, gia đình quyết định đưa về nhà và bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Một bệnh nhân 19 tuổi, không có tiền sử bệnh lý, nhập viện vào những ngày đầu năm 2025 trong tình trạng co giật, hôn mê sâu với điểm Glasgow 6, thở máy qua ống nội khí quản và liệt tứ chi. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch não cho thấy hình ảnh chảy máu não thùy đỉnh chẩm bên trái và não thất, kèm phù não lan tỏa do vỡ ổ dị dạng động – tĩnh mạch (AVM) tại khu vực thùy đỉnh chẩm trái, với điểm Spetzler-Martin 3 điểm. Bệnh nhân đã được phẫu thuật hút khối máu tụ và lấy ổ dị dạng mạch não. Hiện tại, vẫn đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại với tiên lượng hồi phục hạn chế.
Dấu hiệu bệnh tiến triển “âm thầm”, rất khó phát hiện
Bác sĩ Lê Tuấn Anh đang làm ở Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Dị dạng mạch máu não (AVM) là một tình trạng bất thường của hệ thống mạch máu trong não. Thay vì đi qua một mạng lưới mao mạch nhỏ li ti để nuôi dưỡng các tế bào não, máu lại chảy trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch qua các mạch máu dị dạng. Điều này khiến thành mạch máu trở nên yếu và dễ vỡ, gây ra nguy cơ xuất huyết rất cao. Những người mắc bệnh AVM thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi mạch máu bị vỡ, bệnh nhân có thể đột ngột bị đau đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, thậm chí hôn mê. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, mất trí nhớ.
Bác sĩ nhấn mạnh: “Điều đáng lo ngại là AVM thường xảy ra ở người trẻ tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh thường tiến triển âm thầm và đột ngột, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.”
Trước khi vỡ, dị dạng mạch máu não có thể không gây ra triệu chứng rõ rệt hoặc chỉ xuất hiện một số dấu hiệu mơ hồ như đau đầu, chóng mặt, tê bì chân tay hoặc thậm chí là động kinh. Tuy nhiên, khi mạch máu vỡ, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau đầu dữ dội, nôn mửa, liệt nửa người, rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê sâu và có thể tử vong. Tỉ lệ tử vong do vỡ dị dạng mạch máu não khá cao, khoảng 10-15%, và khoảng một nửa số người sống sót sẽ phải đối mặt với những di chứng nặng nề.
Để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ khuyến cáo: “Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào như đau đầu, chóng mặt, tê bì hoặc liệt nửa người, co giật, đặc biệt là khi các triệu chứng xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Đặc biệt, với những trường hợp rối loạn ý thức đột ngột, cần phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.”