Chợ nổi Long Xuyên: Nét đặc sắc văn hóa miền Tây
Chợ nổi Long Xuyên, tọa lạc trên sông Hậu thuộc TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, là một trong những chợ nổi hiếm hoi của miền Tây vẫn duy trì được nét sinh hoạt đặc trưng, gắn liền với đời sống của người dân vùng sông nước. Trong khi nhiều chợ nổi khác dần mai một, nơi đây vẫn nhộn nhịp ghe thuyền mỗi buổi sáng sớm, thu hút không chỉ tiểu thương mà còn cả du khách trong và ngoài nước.
Chợ nổi Long Xuyên: Nét văn hóa đặc sắc của miền Tây
Mỗi ngày, từ lúc hừng đông, chợ đã rộn ràng với tiếng máy ghe, tiếng gọi mời, tiếng cười nói của những người buôn bán. Khi chúng tôi vừa xuống đò Ô Môi bên bến sông Hậu, anh Nguyễn Văn Linh đã chào mời: “100.000 mỗi người muốn đi bao lâu cũng được”. Chiếc ghe nhỏ đưa chúng tôi lướt đi băng băng trên mặt sông.
Chợ nổi không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà còn là hình ảnh đại diện cho đời sống sinh hoạt đậm chất miền Tây. Hàng trăm chiếc ghe lớn nhỏ neo đậu trên khúc sông dài khoảng 2km, bày bán các loại nông sản như dừa, khoai, khóm cùng nhiều mặt hàng khác. Với khung cảnh mộc mạc, bình dị, chợ nổi Long Xuyên thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Những thương hồ mưu sinh trên chợ nổi
Hơn 20 năm gắn bó với chợ nổi, chị Lý Thị Bích Quyên (quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, chị được người quen mách cho lên chợ nổi Long Xuyên buôn bán. Qua vài chuyến hàng, chị thấy chợ đông đúc, dễ kiếm thu nhập, nên vợ chồng chị quyết định gắn bó lâu dài.
Chị Quyên cho biết, mỗi chuyến ghe chở khoảng 9.000 trái dừa được gom từ nhiều nhà vườn, mất 3-4 ngày mới đủ. Sau đó, chị cùng chồng vượt về hướng thượng nguồn dòng sông Hậu để kịp phiên chợ sáng. Neo ghe chắc chắn, chị chờ những khách quen đến mua. Họ chủ yếu là các tiểu thương nhỏ lẻ, những người kinh doanh qua các kênh rạch. Trái dừa vốn cồng kềnh nếu đi đường bộ, nhưng lại thuận tiện khi chở ghe. Người mua hàng chỉ cần vận chuyển từ bến sông lên nhà.
Mỗi chuyến hàng, chị lời đôi ba triệu đồng, nếu bán đắt hàng chỉ mất 2-3 ngày. Cũng có những ngày mưa bão, hàng hóa ế ẩm, chi phí vận chuyển tăng cao, dẫu vậy vẫn đủ trang trải cuộc sống gia đình. “Cực thì có cực nhưng cũng quen. Nghề nào nuôi sống được gia đình thì mình làm”, chị Quyên tâm sự.
Khi chợ vừa họp, những chiếc ghe bán nước giải khát, thức ăn sáng, thực phẩm hoạt động nhộn nhịp.
Bà Nguyễn Thị Thu – một tiểu thương bán thức ăn sáng trên chợ nổi đã gắn bó với nghề hơn 20 năm. Từ khi chưa lập gia đình đến nay khi các con đều đã lớn, hai vợ chồng bà bên ghe hàng lắc lẻo, chồng chèo lái, vợ bán hàng, thu nhập cũng tạm đủ.
Những món ăn quen thuộc như hủ tiếu, bún riêu, bánh canh giò heo, bún thịt nướng trên ghe nhỏ của bà được bán với giá 25.000 đồng một tô. Dù thu nhập không cao, bà Thu luôn tự hào về nghề của mình: ““Vui lắm, dù bán không nhiều như xưa”.”
Không được đào tạo qua trường lớp về du lịch, song người phụ nữ miền Tây dùng thái độ niềm nở, chân thật của mình để thu hút du khách. Đó cũng là nét đẹp mộc mạc, giản dị, hồn hậu tạo nên dấu ấn của chợ nổi.
Du lịch chợ nổi Long Xuyên: Trải nghiệm khó quên
Không chỉ là nơi buôn bán, chợ nổi Long Xuyên còn là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn khám phá nét đẹp văn hóa sông nước. Từ sáng sớm, nhiều du khách thuê đò với giá khoảng 100.000 đồng/người để tham quan chợ. Những chiếc đò nhỏ len lỏi qua từng ghe hàng, mang đến cảm giác chòng chành thú vị giữa sóng nước. Lúc đông khách, các ghe còn nhóm lại một điểm để ăn sáng, uống cafe và chia sẻ những câu chuyện thú vị.
Anh Nguyễn Văn Linh, một tài công lái đò hơn 15 năm tại chợ nổi, chia sẻ, trước đây, khách của anh chủ yếu là tiểu thương, nhưng giờ phần lớn là du khách. Mỗi chuyến anh lấy công 100.000 đồng mỗi người, không giới hạn thời gian tham quan. Vừa lái đò, anh vừa giới thiệu cho họ về chợ nổi và cuộc sống của người dân nơi đây.
Dù thu nhập mỗi ngày không ổn định, anh Linh vẫn kiên trì với nghề. Anh bảo, khách còn đến chợ nổi, anh còn chạy đò, bởi cái nghề làm lâu thành cái “nghiệp”, anh cảm thấy gắn bó với khung ảnh ồn ào, huyên náo nơi chợ nổi.
Đối với nhiều người dân miền Tây, chợ nổi không chỉ là nơi giao thương mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống dung dị, chan hòa của vùng sông nước. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của thời cuộc, các hoạt động buôn bán trên sông dần bị thay thế bởi giao thương đường bộ, khiến chợ nổi ngày càng vắng bóng thuyền ghe. Dẫu vậy, nét đẹp mộc mạc, đậm đà hồn quê của chợ nổi vẫn là điều khiến nhiều người lưu luyến và mong muốn được một lần ghé thăm, trải nghiệm.
Chợ nổi Long Xuyên trong phát triển du lịch An Giang
Theo ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang – chợ nổi Long Xuyên không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ, thu hút nhiều thương hồ của các địa phương và từ khắp các nơi tìm về với đa dạng các loại hàng hoá, nông sản.
Chợ nổi Long Xuyên hiện được đánh giá là một trong những chợ nổi đẹp nhất, còn giữ được nét nguyên sơ nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh du lịch tỉnh An Giang ngày càng phát triển, việc đưa chợ nổi vào khai thác du lịch chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Chợ nổi Long Xuyên sẽ tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo ra các sản phẩm và dịch vụ du lịch độc đáo, thu hút và giữ chân du khách. Đây là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trong việc phát triển du lịch của An Giang.
Tin mới nhất
Phát hiện thi thể nữ nổi trên sông Lô
Cùng chuyên mục:
Về chúng tôi
Văn hoá và Pháp luật – Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.