GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: P.Thảo
Sự kiện Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đi vào hoạt động đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra tương lai đầy tiềm năng và cơ hội cho TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tại buổi làm việc với Tổng lãnh sự Australia và Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Australia (NAB), Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM Võ Văn Hoan đã chia sẻ về tầm nhìn đầy triển vọng của thành phố. TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ sánh ngang với các trung tâm đô thị hàng đầu thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á. Để đạt được mục tiêu này, thành phố phải đặc biệt chú trọng xây dựng TTTCQT, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu.
TTTCQT tại TP HCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thị trường tài chính Việt Nam với thế giới, đồng thời thu hút các tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời, mang đến các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng TTTCQT sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 47-TB/TW về đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 259/NQ-CP phê duyệt kế hoạch hành động triển khai. Trong đó, TP HCM được xác định là đầu tàu, đóng vai trò huyết mạch trong việc thu hút và luân chuyển vốn, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố và cả nước.
Khi đi vào hoạt động, TTTCQT được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các đối tác trong và ngoài nước, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Điều này sẽ giúp TP.HCM trở thành điểm sáng kinh tế, một điểm đến hấp dẫn với chất lượng cuộc sống cao, đồng thời là hạt nhân phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Theo GS.TS Vinh: “Mô hình của TTTCQT có thể được hình dung như một trung tâm hỗ trợ cho các hoạt động tài chính. Trung tâm này sẽ là nơi tập trung của các ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức định giá xếp hạng, công ty luật, doanh nghiệp logistics,… Đây cũng là nơi các doanh nghiệp tìm đến để sử dụng các dịch vụ tài chính như thu hút vốn đầu tư, thực hiện các dịch vụ tài chính phức hợp. Các TTTCQT thường được hình thành theo cụm, vùng hoặc vị trí địa lý của mỗi thành phố hoặc quốc gia”.
GS.TS Vinh khẳng định, để TTTCQT hình thành và phát triển cần có nhiều yếu tố. Trước hết, phải có sự xuất diện của các định chế tài chính uy tín như ngân hàng lớn, tổ chức định giá, công ty luật tư vấn tài chính. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng, bao gồm hạ tầng phục vụ cuộc sống của các chuyên gia (khách sạn, nhà ở, trường học) và hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bảo mật. Ngoài ra, cần có “hạ tầng mềm” như các quy trình, thủ tục hiệu quả để doanh nghiệp dễ dàng thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai thông tin để doanh nghiệp tự tìm hiểu và sự chủ động của cán bộ trong việc chào mời, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tại TTTCQT.
Hạ tầng pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng TTTCQT. Hệ thống luật lệ cần được xây dựng theo hướng vừa mở cửa cho các dịch vụ mới, vừa kiểm soát được rủi ro, đồng thời cần có cơ chế thí điểm và cơ chế đặc thù.
GS.TS Vinh đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền TP.HCM trong thời gian qua, đặc biệt là những bước đột phá mang tính kiến tạo. Ông cũng gợi ý thành phố nên xem xét phương án sắp xếp bộ máy theo hướng đa lĩnh vực để phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước và thế giới.