Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho trẻ em. Ảnh: Báo PLVN
Sởi và ho gà – hai bệnh truyền nhiễm từng được kiểm soát tốt, đang đồng loạt tái phát ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Đáng lo ngại, phần lớn trong số hàng nghìn ca bệnh ghi nhận trong quý I năm 2025 là trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa đầy đủ làm gia tăng nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Tại tỉnh Bình Phước, theo bác sĩ La Văn Dầu – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến ngày 14/3, toàn tỉnh đã ghi nhận 947 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, 7 trường hợp có kết quả dương tính với virus sởi, đáng tiếc đã có 1 ca tử vong tại thị xã Chơn Thành.
Dịch ho gà tại Bình Phước cũng đang diễn biến phức tạp biến địa phương này thành một trong những “điểm nóng” với 16 ca mắc. Trong đó, huyện Bù Đăng ghi nhận 14 trường hợp, còn lại 2 ca thuộc huyện Bù Gia Mập. Đáng lo ngại, một trường hợp đã tử vong tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Tất cả bệnh nhân đều là trẻ nhỏ, trong đó có tới 15/16 trường hợp chưa từng được tiêm vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, nhiều em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng, nơi điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế.
Tại tỉnh Bình Dương, một bé gái 8 tháng tuổi, cư trú tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng đã tử vong sau khi nhiễm bệnh sởi. Bé chưa được tiêm phòng và có tiền sử mắc hội chứng Prader-Willi.
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện, bệnh nhi có thể trạng yếu, hầu như chỉ ở trong nhà, không ra ngoài và không tiếp xúc với ai ngoài các thành viên trong gia đình. Đáng chú ý, khu vực xung quanh nơi bé sinh sống chưa ghi nhận trường hợp nào mắc sởi hay sốt phát ban. Điều này cho thấy virus sởi có khả năng lây lan vô cùng mạnh mẽ, ngay cả trong những điều kiện tiếp xúc hạn chế.
Tại tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 4 ca mắc ho gà. Trong đó, một bé gái 4 tuổi đã tử vong khi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các trường hợp mắc bệnh tại đây đều là trẻ em chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ số mũi theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, chỉ trong quý I năm 2025, cả nước đã ghi nhận hơn 42.000 trường hợp nghi mắc bệnh sởi. Trong đó có hơn 4.000 ca dương tính với virus và 5 trường hợp tử vong. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 8.000 ca nghi mắc sởi. Con số này cao gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh mức độ gia tăng đáng lo ngại.
Các chuyên gia y tế nhận định rằng một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát mạnh là do nhiều phụ huynh vẫn mang tâm lý chủ quan hoặc có những quan niệm sai lầm về tiêm chủng. Không ít người cho rằng “đợi con lớn rồi tiêm cũng chưa muộn” hoặc lo sợ nguy cơ sốc phản vệ, dẫn đến chần chừ không tiêm vắc xin. Tuy nhiên, việc trì hoãn tiêm phòng có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.
Bên giường bệnh, nơi con trai đang phải thở oxy, chị Nguyễn Thị Lan, cư trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi sai lầm nghe người ta nói tiêm sớm nguy hiểm, dễ bị sốc nên lần chần. Giờ con phải thở oxy cả tuần rồi, tôi chỉ mong cháu qua khỏi. Tôi tự trách bản thân rất nhiều”.
Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc CDC Bình Dương, cho biết: Tại nhiều khu vực dân cư, tỷ lệ trẻ được tiêm mũi sởi rubella đầu tiên hiện còn rất thấp, chỉ hơn 50%. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, tỷ lệ tiêm chủng phải đạt ít nhất 95%. Ông nhấn mạnh: “Chỉ cần một trường hợp mắc bệnh cũng có thể là ‘mồi lửa’ làm bùng phát một ổ dịch lớn”.
Hiện nay, tại tỉnh Bình Dương, hơn 10.000 liều vắc xin phòng bệnh sởi đã được phân bổ về 91 trạm y tế xã, phường để thực hiện tiêm vét cho trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ cao. Mỗi trạm y tế tổ chức ít nhất ba buổi tiêm mỗi tuần, đồng thời triển khai các điểm tiêm lưu động tại khu nhà trọ, khu công nhân nhằm bảo đảm mọi trẻ em đều được tiếp cận vắc xin kịp thời.
Tại tỉnh Đồng Nai, ngành Y tế địa phương cũng đang khẩn trương thực hiện công tác rà soát, lập danh sách trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi, đồng thời tổ chức các đợt tiêm vét trong tháng Tư năm 2025 nhằm tăng độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng và giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ngày 26/3, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn hỏa tốc, yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai khẩn cấp ba nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng. Từ đó xóa bỏ tâm lý lo ngại, e dè trước vắc xin. Thứ hai, đẩy mạnh tiến độ triển khai các chiến dịch tiêm vét, tiêm bù vắc xin sởi và ho gà cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ. Thứ ba, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng, đặc biệt chú trọng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát hiện sớm và kịp thời kiểm soát các ổ dịch.
Ngành Giáo dục được đề nghị phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm phòng tại các cơ sở giáo dục mầm non và mẫu giáo. Đồng thời theo dõi sát tình trạng sức khỏe của học sinh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền tại cơ sở, đặc biệt tại những khu vực khó tiếp cận thông tin chính thống. Các Trung tâm Y tế cấp huyện, đặc biệt là Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, khu vực cách ly và nhân lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định rằng: Do đặc điểm dịch tễ thay đổi theo từng thời điểm nên các biện pháp phòng, chống dịch cũng cần được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Ông cho biết: Việc chỉ định tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi hiện nay là hoàn toàn an toàn và nhằm mục tiêu phòng dịch hiệu quả.
“Với nhóm đối tượng này, mũi tiêm vắc xin sởi vẫn tạo được miễn dịch, tuy không bền vững, nhưng không có nghĩa là không thể tiêm được trong độ tuổi này. Trước đây, chúng ta vẫn triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mũi tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được xem là mũi tiêm chống dịch. Sau đó, trẻ vẫn cần được tiếp tục tiêm các mũi sởi tiếp theo đúng lịch”, Tiến sĩ Hải khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh, đối với các trường hợp trẻ bị phơi nhiễm với virus sởi trong vòng ba ngày thì vẫn có thể tiêm vắc xin sởi, bởi mũi tiêm này vẫn có hiệu quả trong việc phòng bệnh diễn tiến nặng. Theo ông, sau khoảng hai tuần, kháng thể được tạo ra từ vắc xin vẫn có hiệu quả phòng bệnh ở mức từ 60 đến 70 phần trăm.
Vị chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà. Cụ thể, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và môi trường sống của trẻ. Trẻ dưới một đến hai tuổi, đặc biệt là những em có bệnh nền, luôn có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay bao gồm: sốt cao kéo dài, bỏ ăn, mệt mỏi, li bì, khó thở…
Bên cạnh đó, khi phát hiện trẻ mắc sởi, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn trong lớp. Đồng thời, phải thông báo ngay cho nhà trường để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý phù hợp.