Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, nhà trường và doanh nghiệp cần sự đồng hành để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: PV
Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết trong giảng đường và yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Nguyễn Thùy Linh, sinh viên năm ba Học viện Tài chính chia sẻ rằng, cô chọn ngành Kinh tế vì đây là xu hướng của xã hội. Tuy nhiên, Linh thừa nhận bản thân không có thế mạnh về các môn đòi hỏi tư duy logic và tính toán. Trước đó, cô từng mong muốn theo học ngành Tâm lý học để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Thế nhưng, dưới sự định hướng của gia đình và lời khuyên từ bạn bè, cô quyết định chuyển hướng sang ngành Kinh tế với hy vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi tốt nghiệp.
Phụ huynh của Thùy Linh, cô Thu Hiền – hiện đang sinh sống tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội cho biết, gia đình chủ yếu là công nhân viên chức. Vì mong muốn con gái sau này có một công việc ổn định, cô đã định hướng con theo học những ngành đang được xã hội ưa chuộng.
Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục có những biến động dưới tác động của các yếu tố kinh tế – xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, hiện nay, nhiều gia đình có con trong độ tuổi học sinh, sinh viên đang gặp khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp. Với mong muốn con em sớm ổn định công việc và có thu nhập cao sau khi ra trường, phần lớn phụ huynh thường lựa chọn các ngành học đang là xu thế cho con theo học.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng sinh viên chọn sai ngành tại Việt Nam vẫn còn khá lớn. Đáng chú ý, trong số đó không ít là những học sinh từng có thành tích học tập xuất sắc nhưng lại mất phương hướng khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Hệ quả của việc chọn sai ngành là sinh viên không thể phát huy được sở trường, năng lực cá nhân, thậm chí dẫn đến cảm giác tự ti, chán nản, kết quả học tập giảm sút. Bên cạnh đó, việc thiếu định hướng nghề nghiệp khiến nhiều sinh viên không có cơ hội trải nghiệm thực tế với ngành nghề mình theo học. Từ đó mất dần khả năng thích nghi khi bước vào thị trường lao động.
Theo thống kê trước đây của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm có khoảng 200.000 người trong độ tuổi lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Đặc biệt, có tới gần 60% cử nhân sau khi ra trường phải làm trái ngành nghề được đào tạo.
Đồng hành cùng sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp
Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, hiện nay, các ngày hội việc làm đã trở thành hoạt động thường niên tại nhiều trường đại học nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đây được xem là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp và lực lượng lao động trẻ trong tương lai.
Bên cạnh các ngày hội việc làm, hiện nay nhiều trường đại học đang có xu hướng tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Việc cùng phối hợp đào tạo với doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn ngay từ những năm đầu đại học.
Tại buổi Hội thảo với chủ đề “Mô hình doanh nghiệp đồng hành đào tạo sinh viên Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế nhận định rằng, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường mang lại nhiều cơ hội cho sinh viên. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả cần có sự đồng thuận và cam kết từ cả hai phía. Nhà trường cần có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đồng hành với nhà trường trong suốt quá trình đào tạo, không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn tạo điều kiện để sinh viên được học hỏi từ các chuyên gia trong ngành.
Trên thực tế, để có thể xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sinh viên cần được tiếp cận với các tiến bộ khoa học – công nghệ, đồng thời được trang bị đầy đủ những kỹ năng còn thiếu.
Bà Bùi Ngọc Hà, Giám đốc thu hút nhân tài của Công ty Cổ phần MISA, chia sẻ: “Công ty không chỉ dừng lại ở việc phát triển các giải pháp công nghệ, mà còn có tầm nhìn dài hạn trong việc đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Một trong những nỗ lực nổi bật của MISA là chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm làm việc và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”.