Phong tục ngày Tết Nguyên đán: Nét đẹp văn hoá của người Việt

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Đây là thời điểm cả gia đình sum họp, cùng nhau đón một năm mới an lành, hạnh phúc. Dù trải qua biết bao biến động của lịch sử, nhưng phong tục ngày Tết vẫn lưu giữ được tinh hoa, tinh tuý của truyền thống, truyền thừa từ đời này sang đời khác.

Tết Nguyên đán là gì?

Tết Nguyên đán, còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch hay Tết Cổ truyền, là dịp Tết quan trọng nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân. Đây là thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông và bước vào chu kỳ mới, đánh dấu sự khởi đầu mới. Vì thế luôn mang theo nhiều hy vọng và ước muốn. 

Từ “Tết” có nghĩa gốc là “tiết”. Trong thời kỳ canh tác nông nghiệp xưa, năm được chia thành 24 tiết khí, mỗi tiết có một khoảnh khắc “giao thừa”. Trong số đó, tiết khí quan trọng nhất là tiết mở đầu một chu kỳ sản xuất mới, gắn liền với việc gieo trồng và chính là Tiết Nguyên đán sau này, hay còn được gọi là Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán là nét đẹp của văn hoá người Việt. Ảnh: Kim Chí Bảo
Tết Nguyên đán là nét đẹp của văn hoá người Việt. Ảnh: Kim Chí Bảo

Tết đối với người Việt vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là thời gian gắn liền với các mốc đời người đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tết cũng là thời điểm để kết nối, thắt chặt mối quan hệ với gia đình, bạn bè, khám phá thiên nhiên và làm mới năng lượng để cống hiến cho quê hương. Đồng thời, Tết mang ý nghĩa linh thiêng, đặc biệt là với những người xa quê, khi họ nhớ về gia đình, quê hương và mong ngày đoàn tụ.

Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ đâu?

Tết Nguyên đán chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc trong thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc, có nguồn gốc từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi qua các triều đại. Vào thời kỳ Tam Vương, mỗi triều đại chọn tháng khác nhau làm tháng Tết theo màu sắc ưa thích: nhà Hạ chọn tháng Giêng (tháng Dần) vì màu đen, nhà Thương chọn tháng Chạp (tháng Sửu) vì màu trắng và nhà Chu chọn tháng Mười Một (tháng Tý) vì màu đỏ. Các triều đại này cũng quan niệm về giờ “tạo thiên lập địa”, từ đó hình thành các ngày Tết khác nhau.

Từ thời Đông Chu, Khổng Tử đã chọn tháng Dần làm ngày Tết. Sau đó, Tần Thủy Hoàng thay đổi vào tháng Hợi (tháng 10). Đến thời Hán Vũ Đế (140 TCN), Tết lại được đặt vào tháng Dần (tháng Giêng) và từ đó không còn triều đại nào thay đổi tháng Tết. Về sau, Đông Phương Sóc cho rằng ngày tạo thiên lập địa tương ứng với sự xuất hiện của các loài vật và ngũ cốc, do đó ngày Tết kéo dài từ mồng một đến mồng bảy.

Ý nghĩa Tết nguyên đán - Dịp đoàn viên và biết ơn nguồn cội

Trong văn hóa của người Việt cũng như nhiều quốc gia châu Á, Tết Nguyên đán không chỉ là thời khắc giao hòa giữa trời đất, con người và thần linh mà còn là dịp đoàn tụ của các gia đình. Mỗi khi Tết đến, câu hát “Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình” lại vang lên trong lòng những người con xa xứ. Dù làm nghề gì hay ở đâu, vào dịp này, ai nấy đều mong muốn trở về để sum vầy bên gia đình trong những ngày Tết. “Về quê ăn Tết” không còn là một khái niệm xa vời với những người đi làm ăn xa quê, mà là một hành trình trở về với cội nguồn, nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên.

Những ý nghĩa phong tục ngày Tết tạo nên nét đẹp văn hoá. Ảnh: SAKOS
Những ý nghĩa phong tục ngày Tết tạo nên nét đẹp văn hoá. Ảnh: SAKOS

Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng, đánh dấu sự chia tay năm cũ và chào đón năm mới. Đây là dịp để cầu mong một năm sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, đồng thời phản ánh sâu sắc tinh thần nông nghiệp và ảnh hưởng của nó trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tết Nguyên Đán là dịp để người Việt thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và trân trọng cội nguồn. Trong tâm linh, người Việt tin rằng tổ tiên sẽ về chứng kiến lòng thành của con cháu và phù hộ cho họ trong năm mới. Tết cũng là thời gian để mọi người xích lại gần nhau, chia sẻ niềm vui và gửi những lời chúc tốt đẹp, là cơ hội hòa giải mâu thuẫn trong cuộc sống.

Phong Tục ngày Tết Nguyên đán của 3 miền Bắc, Trung, Nam

Việt Nam tự hào về truyền thống văn hóa và phong tục độc đáo. Trong đó, Tết Nguyên đán là dịp đặc sắc nhất. Văn hóa và phong tục ngày Tết ở ba miền Bắc, Trung, Nam có sự khác biệt rõ rệt từ ăn mặc, vui chơi, sinh hoạt đến các lễ hội,…

Về miền Bắc

Phong tục đón Tết ở miền Bắc thường cầu kỳ và mang ý nghĩa tâm linh, không chỉ là dịp sum vầy mà còn là thời điểm cầu mong may mắn, an lành, hạnh phúc. Dưới đây là một số phong tục đặc trưng của người miền Bắc:
Các phong tục ngày Tết của miền Bắc tạo nên một văn hoá truyền thống. Ảnh: Internet
Các phong tục ngày Tết của miền Bắc tạo nên một văn hoá truyền thống. Ảnh: Internet

Mâm cỗ Tết

Mâm cỗ Tết ở miền Bắc luôn được chuẩn bị tươm tất, tuân thủ nguyên tắc “4 bát 4 đĩa” với các món ăn mang đậm ý nghĩa trong tín ngưỡng dân gian. Cụ thể:

– 4 bát bao gồm các món ăn đặc trưng như: Canh bóng thả với chân tẩy và nước dùng gà; Chân giò hầm với măng khô; Mọc nấm thả; Miến nấu lòng gà.

– 4 đĩa thường có những món như: Gà trống thiến luộc; Nem rán; Giò lụa (thường là giò thủ hoặc chả quế); Bánh chưng.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông, một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết ở miền Bắc. Bên cạnh các món ăn chính, các món tráng miệng cũng rất đa dạng, với nhiều loại mứt Tết và trái cây như mứt quất, mứt gừng, mứt sen, hồng khô, ô mai… Đặc biệt, chè kho ngọt thơm nấu từ đậu xanh và đường là món tráng miệng truyền thống không thể thiếu trong các gia đình miền Bắc mỗi dịp xuân về.

Nghi lễ truyền thống

Phong tục đón Tết của người miền Bắc bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Mọi nhà chuẩn bị lễ vật tiễn ông Táo về trời, thả cá chép với hy vọng cá sẽ biến thành rồng. Tiếp đến là thời điểm giao thừa. Mọi người trong gia đình quây quần, sum họp, đoàn tụ bên nhau cùng tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới. Sau đó là các hoạt động đón xuân, chúc Tết và tham gia lễ hội văn hóa truyền thống.

Trang trí bàn thờ

Trong những ngày Tết, bàn thờ tổ tiên được chăm sóc kỹ lưỡng. Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân được dùng để trang trí, mang ý nghĩa của sự đổi mới và hy vọng. 

Về Miền Trung

Miền Trung cũng sở hữu những phong tục đặc sắc và độc đáo trong dịp Tết Nguyên đán, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa vùng miền. Cụ thể như sau:

Phong tục tập quán Tết Nguyên đán ở miền Trung. Ảnh: Giaothua
Phong tục tập quán Tết Nguyên đán ở miền Trung. Ảnh: Giaothua

Mâm cỗ ngày Tết

Mâm cỗ Tết miền Trung có sự khác biệt so với các vùng khác, phản ánh tinh thần tiết kiệm và san sẻ của người dân nơi đây. Các món ăn thường được chia thành từng đĩa nhỏ và bày trên mâm tròn. Những món truyền thống phổ biến trong mâm cỗ Tết miền Trung gồm gà luộc, bánh tét, thịt heo kho, nem chua, dưa hành và ram cuốn…

Trong đó, bánh tét là món ăn đặc trưng được gói hình trụ với nếp, đậu xanh và thịt heo. Khi cắt bánh, mỗi miếng đều đẹp mắt và hấp dẫn. Món bánh này không chỉ ngon miệng mà còn mang ý nghĩa gắn kết tình cảm gia đình và cộng đồng.

Nghi lễ truyền thống

Không khí Tết ở miền Trung ấm áp và dễ chịu, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp người dân chuẩn bị du xuân và đón giao thừa. Các con đường tràn ngập hoa, nhà cửa được lau dọn và trang trí đón Tết. Vào ngày tất niên, gia đình quây quần sum họp. Sáng mùng 1 Tết, mọi người đi lễ chùa cầu bình an, thăm chúc Tết người thân, bạn bè, rồi tham gia các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian đặc trưng của vùng quê.

Lễ cúng ông Công ông Táo

Phong tục cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) ở miền Trung đặc sắc với mâm cỗ trang trọng và một chậu cá chép, thể hiện lòng biết ơn đối với các vị thần đã phù hộ gia đình. Mâm cỗ cúng thường có các món ăn truyền thống do gia đình chuẩn. Sau khi cúng, cá chép được thả xuống sông hoặc ao, tượng trưng cho việc tiễn đưa các vị thần về trời.

Về Miền Nam

Với người miền Nam, Tết là cơ hội để vui chơi, gặp gỡ và quầy quần bên nhau. Do đó, phong tục đón Tết ở miền Nam thường không nặng nề về mặt hình thức. Chủ yếu là hướng đến không khí rộn ràng, vui tươi cho năm mới nhiều tài lộc, may mắn, thuận hòa và mọi sự đều hanh thông.

Phong tục Tết Nguyên đán ở miền Nam. Ảnh: Báo Điện Tử Chính Phủ
Phong tục Tết Nguyên đán ở miền Nam. Ảnh: Báo Điện Tử Chính Phủ

Phong tục mua sắm và chợ Tết

Khác với các miền khác, chợ Tết ở miền Nam thường mở cửa từ rất sớm và trở nên sôi động ngay từ những ngày đầu tháng Chạp. Không khí tại đây luôn tấp nập, nhộn nhịp với đủ loại hàng hóa từ thực phẩm đến đồ trang trí. Người miền Nam có thói quen mua sắm các loại trái cây tươi ngon, đặc biệt là những loài hoa như mai vàng và cành dưa hấu. Hoa mai không chỉ mang đến vẻ đẹp mùa xuân mà còn biểu trưng cho sự thịnh vượng và may mắn trong năm mới.

Mâm cỗ Tết

Mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam thường kết hợp giữa ẩm thực miền Bắc và miền Trung, nhưng cũng có thêm nhiều món đặc trưng vùng miền Nam Bộ như bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua và dưa chua. Thịt kho tàu được chế biến từ thịt heo và nước dừa, mang lại hương vị đậm đà, ấm cúng cho bữa cơm ngày Tết.

Nghi lễ truyền thống

Phong tục đón Tết tại miền Nam bao gồm những nghi lễ truyền thống đặc sắc như: Vào ngày 23 tháng Chạp, tiễn ông Công, ông Táo về trời; Ngày 30 tháng Chạp chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, đồng thời là dịp để con cháu sum họp trong ngày cuối cùng của năm cũ. Trong suốt những ngày Tết, bàn thờ tổ tiên luôn tỏa ngát khói hương thể hiện tấm lòng hiếu thảo và mong muốn đem lại một cái Tết ấm cúng cho ông bà tổ tiên.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x