Phong tục tảo mộ - Nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam
Phong tục tảo mộ là một nghi lễ truyền thống trong văn hóa của nhiều dân tộc, đặc biệt là ở Việt Nam, để tưởng nhớ và bày tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, người đã khuất.
Tảo mộ là gì?
Tảo mộ là hành động dọn dẹp, sửa sang và chăm sóc mộ phần của tổ tiên, ông bà, người thân đã khuất, thường được thực hiện vào những dịp quan trọng trong năm như Tết Nguyên đán, lễ cúng giỗ hay các ngày lễ truyền thống khác. Đây là một nét văn hóa đặc trưng trong nhiều nền văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam thể hiện lòng hiếu thảo, tôn kính đối với tổ tiên.
Khi tảo mộ, người ta thường làm các công việc như quét dọn, thay hoa, thắp hương, sửa chữa mộ phần nếu cần thiết và cầu nguyện cho tổ tiên được an nghỉ, gia đình được bình an, khỏe mạnh. Tảo mộ cũng là dịp để con cháu nhớ về nguồn cội, dạy dỗ con trẻ về truyền thống “ uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng thành kính biết ơn với ông bà tổ tiên đã khuất.
Nguồn gốc của phong tục tảo mộ
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ lâu vào khoảng từ mùng 10 đến 25 tháng Chạp, nhiều gia đình thường chuẩn bị hương hoa, lễ vật và cùng nhau tổ chức nghi lễ tảo mộ để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà. Với nhiều dòng họ sẽ chọn thời gian này để tổ chức lễ giỗ Tổ cho dòng họ, giúp con cháu có cơ hội bày tỏ lòng hiếu thảo, báo đáp công sinh thành và dưỡng dục của các thế hệ trước.
Ý nghĩa của phong tục tảo mộ
Phong tục tảo mộ có nhiều ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, thể hiện lòng hiếu thảo, tôn kính tổ tiên và duy trì sự gắn kết giữa các thế hệ. Dưới đây là một số ý nghĩa chính của phong tục tảo mộ:
Tôn kính tổ tiên
Tảo mộ là cách để con cháu bày tỏ sự kính trọng, tri ân đối với những người đã khuất, đặc biệt là ông bà, cha mẹ và những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng. Việc chăm sóc mộ phần thể hiện sự biết ơn và lòng thành kính với những người đã đi trước, góp phần duy trì đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa Việt.
Duy trì mối quan hệ gia đình
Tảo mộ không chỉ là một hành động chăm sóc mộ phần mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng tụ họp, chia sẻ thời gian và kết nối tình cảm. Đây là một cách để củng cố mối quan hệ gia đình, giúp con cháu nhớ về cội nguồn và giữ gìn truyền thống của gia đình.
Cầu nguyện cho sự an lành và bình yên
Tảo mộ thường đi kèm với các lễ nghi như thắp hương, cầu nguyện cho tổ tiên được an nghỉ nơi chín suối, đồng thời cầu mong gia đình được bình an, sức khỏe, phát đạt năm mới. Đây cũng là dịp để con cháu bày tỏ mong muốn được tổ tiên che chở, bảo vệ.
Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa
Phong tục tảo mộ là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt, đặc biệt là trong các dịp lễ tết hay ngày giỗ. Việc thực hiện tảo mộ qua các thế hệ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời giáo hóa thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo và đạo lý nhân văn.
Xây dựng tâm hồn con người
Phong tục tảo mộ cũng có tác dụng giáo dục con người về sự tôn trọng sự sống, sự hồi tưởng về quá khứ và tạo nên một mối liên kết sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ. Qua việc chăm sóc mộ phần, mỗi người sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống
Nghi thức tảo mộ
Chuẩn bị đồ lễ: Trước khi đi tảo mộ, người ta thường chuẩn bị hương, hoa, trái cây, đồ ăn,bánh kẹo, nước uống để dâng lên tổ tiên. Lễ vật có thể thay đổi tùy theo từng vùng miền, nhưng thường gồm những món tượng trưng cho sự tôn trọng như hương, nến, quả ngọt, và tiền giấy.
Dọn dẹp mộ phần: Sau khi đến mộ, người thân sẽ dọn cỏ, lau chùi bia mộ và thay mới hoa quả, hương đèn. Nếu cần, họ sẽ sửa sang lại mộ phần, chỉnh lại những dấu hiệu của thiên nhiên như đất đá, cây cỏ xung quanh.
Dâng lễ và cầu nguyện: Sau khi dọn dẹp, người ta sẽ thắp hương và thành kính cầu nguyện thỉnh mời người thân về sum vầy với con cháu dịp Tết, phù hộ độ trì cho gia đình được bình an và phát tài phát lộc.
Cúng tế: Có thể dâng lên những món ăn mà tổ tiên thích hoặc thực hiện các nghi lễ theo truyền thống của gia đình hoặc dòng họ.
Tảo mộ vào dịp nào
Tết Nguyên Đán: Mỗi gia đình thường đi tảo mộ vào ngày Tết thể hiện sự nhớ nhung, tri ân đối với tổ tiên và cầu mong một năm mới an lành.
Ngày Giỗ Tổ: Đây là dịp để tảo mộ và cúng giỗ các vị tổ tiên trong gia đình.
Ngày thanh minh (3/3 âm lịch): Phong tục này có liên quan đến việc tảo mộ, sửa sang mộ phần và dâng lễ để cầu cho người đã khuất được siêu thoát.
Văn khấn tảo mộ cổ truyền Việt Nam
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy ngài Địa tạng Vương Bồ Tát.
– Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
– Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.
Con kính lạy hương linh cụ:…………………..
Hôm nay là ngày… tháng Chạp năm Giáp Thìn, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là:…………..
Ngụ tại:…………………………
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:…………… có phần mộ táng tại………… được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở
Bát nước nén hương
Thành tâm kính lễ
Cúi xin chứng giám. Phù hộ độ trì
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn Hóa Thông tin)
Những lưu ý khi tảo mộ
Nên thực hiện việc tảo mộ và dọn dẹp mộ phần vào buổi sáng, khi thời tiết đẹp để công việc được thuận lợi. Cần tránh tảo mộ vào những ngày trời u ám.
Nghĩa trang là nơi linh thiêng, do đó khi đi tảo mộ tuyệt đối không được đùa giỡn, chạy nhảy hay nói chuyện to.
Trang phục khi đi tảo mộ nên là những bộ quần áo đơn giản, lịch sự để thể hiện sự tôn trọng và thành kính đối với người đã khuất.
Sau khi hoàn tất việc tảo mộ, về nhà cần thay quần áo và tắm rửa sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn và khí xấu.
Trước khi bắt đầu dọn dẹp mộ phần, người đứng đầu gia đình hoặc người lớn tuổi nhất trong gia đình cần thắp nhang, đèn để xin phép và đọc văn khấn tảo mộ cuối năm. Trong khi chờ nhang cháy hết, con cháu có thể tiến hành dọn dẹp mộ phần và khi nhang cháy được khoảng 2/3 người đại diện có thể thực hiện việc hóa vàng và xin thụ lộc.
Tin mới nhất
Phát hiện thi thể nữ nổi trên sông Lô
Cùng chuyên mục:
Về chúng tôi
Văn hoá và Pháp luật – Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.