Phụ huynh gặp khó trong việc bảo vệ con trước cạm bẫy trực tuyến
Bẫy trực tuyến ngày càng tinh vi song song với sự phát triển của công nghệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên mạng xã hội. Không thiếu những câu chuyện đau lòng với thủ đoạn lừa đảo tinh vi đã khiến nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi đau cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trẻ em và những cạm “bẫy trực tuyến” đầy nguy hiểm
Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện đau lòng về trẻ vị thành niên bị lừa đảo trên mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của trẻ trong môi trường số. Những đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản ảo, giả danh bạn bè hoặc tạo dựng hình tượng lý tưởng để tiếp cận và chiếm lòng tin của trẻ. Nhiều trẻ em đã trở thành nạn nhân của những mối quan hệ qua mạng, bị lừa gạt cả tình cảm lẫn vật chất. Thậm chí, có trường hợp còn bị đe dọa, khủng bố tinh thần khi thông tin cá nhân hoặc hình ảnh bị công khai trên mạng xã hội. Những bẫy trực tuyến này không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn để lại tổn thương tâm lý nghiêm trọng, khiến trẻ mất niềm tin vào cuộc sống và dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm.
Một trong những trường hợp điển hình là câu chuyện bé gái bị lừa tham gia “sàn đầu tư” ảo, được Thượng tá Lê Minh Hải – Phó phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM chia sẻ tại tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”. Kẻ lừa đảo đã dùng hình ảnh một thanh niên trẻ đẹp như diễn viên Hàn Quốc để tiếp cận bé gái, dụ dỗ tham gia sàn đầu tư chứng khoán ảo do tên này và đồng bọn sáng lập. Ban đầu, bé được cung cấp những khoản “lợi nhuận” ảo để tăng sự tin tưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, bé đã vay mượn và huy động được 70 tỷ đồng cho sàn đầu tư, trước khi đối tượng biến mất.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng khác cũng được ghi nhận khi trẻ bị kẻ xấu tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ, lừa quay video nhạy cảm, sau đó dùng những hình ảnh này để tống tiền hoặc ép buộc tham gia các đường dây mại dâm, đóng phim nóng…
Thách thức đối với phụ huynh trước "bẫy trực tuyến" trong kỷ nguyên số
Mặc dù nhận thức được nguy cơ thông qua sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trực tuyến của con cái. Một trong những nguyên nhân chính là sự chênh lệch về hiểu biết công nghệ giữa các thế hệ, trong đó thế giới số ngày càng phức tạp với các “bẫy trực tuyến” ngày càng tinh vi, khó lường.
Trẻ em ngày nay thường thông thạo công nghệ hơn cha mẹ mình, dễ dàng tạo tài khoản mới hoặc che giấu các mối quan hệ trực tuyến. Trong khi đó, nhiều phụ huynh thiếu kiến thức về cách thức hoạt động của mạng xã hội, cũng như khó nắm được các thu đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, tâm lý tuổi vị thành niên cũng là một rào cản lớn. Đây là giai đoạn trẻ tìm kiếm sự tự do và khẳng định bản thân, thường phản ứng tiêu cực khi bị kiểm soát chặt chẽ. Nhiều em chọn cách giấu giếm các hoạt động trên mạng, vô tình trở thành nạn nhân của các bẫy trực tuyến nguy hiểm.
Giải pháp: Đồng hành thay vì kiểm soát
Theo các chuyên gia, thay vì áp dụng biện pháp cấm đoán hoặc kiểm soát thái quá, phụ huynh nên đồng hành cùng con và giáo dục trẻ kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Khi con cái tham gia sử dụng mạng xã hội, phụ huynh cần thường xuyên trao đổi, chỉ dẫn cho con những vùng an toàn, vùng cấm, để con hiểu được các tình huống nguy hiểm và lường trước các rủi ro con có thể gặp phải trên mạng xã hội.
Để bảo vệ con trước những nguy cơ trên mạng, phụ huynh cần chủ động cập nhật kiến thức về công nghệ, sử dụng các phần mềm, thiết bị ngăn chặn nội dung không phù hợp và hiểu rõ những thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Đây là bước đầu tiên trong việc hướng dẫn và hỗ trợ trẻ phòng tránh các cạm bẫy trực tuyến.
Đặc biệt, phụ huynh cần có thái độ và cách hành xử đúng trong việc xử lý hậu quả khi phát hiện con mình trở thành nạn nhân của lừa đảo mạng. Thượng tá Lê Minh Hải chia sẻ, khi phát hiện con trở thành nạn nhân của lừa đảo, trở thành nạn nhân bị lừa tiền, lừa tình, thậm chí tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm, ông khuyên phụ huynh cần giữ bình tĩnh, tránh trách móc hay chỉ trích. Thay vào đó, hãy an ủi, đồng hành và giám sát con chặt chẽ để ngăn chặn những hành động bồng bột. Ông Hải nhấn mạnh, việc truy tìm kẻ lừa đảo và khắc phục hậu quả là trách nhiệm của cơ quan chức năng, gia đình cần tập trung vào việc bảo vệ tâm lý và sự an toàn cho trẻ.
Việc quản lý con cái trong thế giới số không thể dựa hoàn toàn vào kiểm soát hoặc cấm đoán. Phụ huynh cần đóng vai trò là người bạn đồng hành, giáo dục trẻ kỹ năng tự bảo vệ và nhận diện nguy cơ trên mạng. Chỉ khi có sự đồng hành, hướng dẫn sát sao từ phụ huynh, trẻ mới có thể tự tin khám phá môi trường mạng một cách an toàn và hiệu quả. Đây cũng chính là chìa khóa để trẻ vượt qua những thách thức từ các bẫy trực tuyến và vững vàng trước các cạm bẫy nguy hiểm trong thế giới số.
Tin mới nhất
Hành lang pháp lý cho đặt cược thể thao
Văn hoá và Pháp luật - Cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.
Tổng phụ trách: TS danh dự Bùi Hải Dính
Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Viện: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Cố vấn nội dung: Dương Văn Khá – Nguyên Chánh văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ
Chánh văn phòng: Nguyễn Lan Phương
Ban biên tập: Nguyễn Thị Ngọc Bích
Links nhanh
Liên hệ hợp tác
Địa chỉ: Số 164, Phố Hồng Mai, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0919458681
Email: tapchi@vanhoaphapluat.vn
Tìm đường
©2024 Bản quyền thuộc Viện Nghiên Cứu Thông Tin – Chính Sách Văn Hóa Và Pháp Luật Việt Nam.