Ảnh minh họa. Nguồn: VF
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã đề ra, cần phải khơi dậy một khát vọng mạnh mẽ, thống nhất trong toàn xã hội. Từ đó, những cải cách mang tính đột phá phải được thực hiện, tạo ra động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam.
Khát vọng không ngừng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc đạt được các mục tiêu khá cao mà Chính phủ đề ra trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn. “Nhưng khi đã đặt ra kỳ vọng thì chúng ta phải đưa kỳ vọng ấy thành khát vọng xuyên suốt từ người lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ thực thi và cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả lãnh đạo các cấp, lãnh đạo – thủ trưởng của tất cả các đơn vị phải có khát vọng. Từ khát vọng ấy sẽ tìm ra, đưa ra những giải pháp, tháo gỡ khó khăn để hiện thực hóa kỳ vọng và từ đó phát triển nội lực kinh tế Việt Nam”, ông Lâm cho biết.
Việt Nam đang có cơ hội vàng để phát triển nhờ cuộc cách mạng thể chế sâu rộng, bao gồm việc tinh gọn bộ máy, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp và xóa bỏ cơ chế “xin – cho”. Những cải cách này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp phát huy tối đa nội lực.
Theo ông Lâm, song song với cuộc cách mạng thể chế, cần khẩn trương ban hành các quyết sách cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông chia sẻ: “Trước kia không có tiền, phải thu hút FDI bằng mọi cách mà hiện giờ có tiền không tiêu được. Đó là một nghịch lý cần phải tháo gỡ, giải quyết ngay. Ví dụ, cần có những cải cách thể chế, có những quy định rất độc đáo, khác biệt để đội ngũ thực thi dám làm, dám giải ngân, không sợ khi giải ngân có thể rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Vấn đề cơ bản vẫn là thể chế và vẫn là gắn trách nhiệm với người đứng đầu, phải có người chịu trách nhiệm và đồng thời làm thực sự vì công việc, vì sự vươn lên của đất nước, dân tộc”.
Theo ông, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần mạnh tay loại bỏ các thủ tục tạo kẽ hở cho tham nhũng, chẳng hạn như tình trạng “lại quả” trong đấu thầu và sự thiếu minh bạch về đơn giá trong các dự án công.
Tạo cơ hội phát triển doanh nghiệp
Phát triển nội lực kinh tế đang có những thuận lợi khá lớn. Trước mắt đó là Nghị quyết 41-NQ/TW với các định hướng để hình thành những doanh nghiệp dân tộc, những doanh nghiệp đủ sức dẫn dắt từng ngành, lĩnh vực. Nội lực kinh tế cũng bắt đầu từ cộng đồng doanh nghiệp. “Trong cộng đồng doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân là những chủ thể chính, cần phải có các chính sách, biện pháp nâng cao nội lực doanh nghiệp, từ đó đưa họ trở thành chủ thể phát triển kinh tế”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Nội lực của Việt Nam lớn lắm, từ khối doanh nghiệp tư nhân đến doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề quan trọng là làm sao Nhà nước có khuôn khổ chính sách, có cơ chế để tận dụng và phát huy được nguồn nội lực ấy hay không”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, để Việt Nam phát triển nội lực và vươn tầm quốc tế, cần xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh, cả nhà nước và tư nhân, có khả năng tạo ra sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp này cần đóng vai trò dẫn dắt, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành chuỗi giá trị sản xuất thuần Việt.
“Những ưu đãi này phải cụ thể để doanh nghiệp lớn có thể huy động được lượng vốn đủ lớn để từ họ làm được những sản phẩm mang tính tiêu biểu, sau đó có khả năng quy tụ được các doanh nghiệp xoay quanh như một hệ sinh thái sản xuất, từ đó mới xây dựng được chuỗi sản xuất thuần Việt. Khi xây dựng được những chuỗi thuần Việt thì chúng ta mới đứng được trên đôi chân của mình, mới có thể phát huy được nội lực của kinh tế Việt Nam”, PGS.TS Thịnh khẳng định.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, doanh nghiệp Việt Nam luôn tràn đầy khát vọng. Để biến khát vọng đó thành hiện thực, cần có một hệ thống thể chế hiệu quả và cơ chế giám sát chặt chẽ, đóng vai trò như “cây đũa thần”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tiếp tục khai thác hiệu quả nguồn lực FDI
Trong giai đoạn hiện tại và tương lai, FDI vẫn là một phần không thể thiếu của kinh tế Việt Nam. Vì vậy, việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Lâm, hiện nay Việt Nam vẫn dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cần xem xét kỹ lưỡng các dự án FDI và đặt ra những quy định rõ ràng, ví dụ như thời gian chuyển giao công nghệ và tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước, nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
“Chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng cũng cần phải đưa ra các điều kiện cụ thể. Ví dụ như ngành bán dẫn chẳng hạn, ít nhất cũng phải yêu cầu công nghệ thế nào, sau bao năm chuyển giao công nghệ, sử dụng đội ngũ lao động Việt Nam ra sao, chỉ bằng cách này thì doanh nghiệp Việt mới có thể có cơ hội lớn mạnh cùng song hành với doanh nghiệp FDI”, Tiến sĩ Lâm đề xuất.
Tiến sĩ Lâm đồng tình với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới rằng, việc kết nối doanh nghiệp đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước là một trong những cách hiệu quả để nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt Nam và tăng giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, chính sách FDI của Chính phủ cần tập trung vào mục tiêu này, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.