GS. TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP HCM). Ảnh: H.P.T
Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT), trong đó có thành phố (TP) Hồ Chí Minh (HCM). Mục tiêu là đưa thành phố phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ và công nghệ cao, đồng thời giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là xác định hướng đi phù hợp để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế (TTTCQT) tại TP.HCM và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả.
Theo ông, TP.HCM có nhiều lợi thế, đặc biệt là vị trí địa lý thuận lợi, phù hợp với mô hình TTTCQT – nơi thường bao gồm một khu tập trung kết hợp với các vùng vệ tinh hỗ trợ. Tuy nhiên, một trung tâm tài chính hiện đại không thể chỉ dựa vào yếu tố địa lý mà cần tích hợp cả không gian mạng và không gian số. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký hoạt động trong nước nhưng vẫn vận hành trên quy mô toàn cầu, tận dụng tối đa những lợi thế của nền kinh tế số.
Hiện nay, có hai xu hướng phát triển TTTCQT: Một là xây dựng TP HCM thành một trung tâm tài chính quốc tế ngay trên địa bàn thành phố; hai là phát triển TP HCM thành TTTCQT theo hướng thương mại và dịch vụ công nghệ cao. Quá trình hình thành trung tâm này cần trải qua hai bước: Trước hết là xây dựng hạ tầng vững chắc. Sau đó là điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhằm đưa TP HCM trở thành một trung tâm kinh tế – công nghệ cao thực thụ.
Về mặt ngắn hạn, để hình thành TTTCQT, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia đến làm việc, đồng thời xây dựng nền tảng hệ thống giúp người lao động có thể kết nối và làm việc từ xa mà không nhất thiết phải có mặt trực tiếp tại TP HCM. Bên cạnh đó, TTTCQT không chỉ tập trung vào các hoạt động tài chính đơn thuần mà phải trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển các mô hình kinh doanh mới, thu hút đầu tư, khuyến khích du lịch và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của TP HCM cũng như cả nước.
Để xây dựng TTTCQT thành công, cần có sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn, các tổ chức tài chính hàng đầu, các công ty công nghệ tài chính (fintech), logistic… Tuy nhiên, để thu hút được các thành phần này, mô hình vận hành của TTTCQT phải tạo ra sự khác biệt so với các trung tâm tài chính truyền thống như Thượng Hải, Hong Kong, Bangkok hay Singapore. Sự khác biệt đó phải dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, kinh tế số, hạ tầng số và một hệ thống pháp luật có khả năng theo kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này có nghĩa là các hoạt động tài chính tại TTTCQT phải gắn liền với công nghệ số và các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, do đây là một mô hình mới chưa có tiền lệ, việc xây dựng khung pháp lý cần có tư duy linh hoạt, vừa quản lý chặt chẽ vừa khuyến khích sự phát triển. Không nên áp dụng cách tiếp cận cứng nhắc theo kiểu “cái gì không quản được thì cấm”, mà thay vào đó, cần có quy định phù hợp để kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sớm ban hành các quy định pháp luật về phương tiện số, phương thức số, doanh nghiệp số, cũng như nghiên cứu và điều chỉnh các quy định liên quan đến tài sản số, tiền số (coin) để xác định rõ ràng những loại hình có thể chấp nhận, những loại cần kiểm soát và những loại cần ngăn ngừa.
Để xây dựng và vận hành TTTCQT hiệu quả, TP HCM có thể học hỏi kinh nghiệm từ Singapore. Tuy nhiên, việc học hỏi này cần dựa trên lợi thế cạnh tranh riêng của Việt Nam, như dân số đông, nguồn nhân lực dồi dào và diện tích rộng lớn hơn. Singapore đã thành công nhờ chính sách mở cửa cho người nước ngoài, tạo môi trường đầu tư an toàn, đơn giản hóa thủ tục hành chính và chi phí thấp, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Đây là nơi mà các doanh nghiệp có thể thành lập, vận hành và thử nghiệm các sản phẩm tài chính mới trong một môi trường pháp lý thuận lợi.
Singapore tuy có diện tích nhỏ, nhưng cung cấp đầy đủ các loại hạ tầng kỹ thuật cần thiết để tạo nền tảng cho sự phát triển của các công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán và tập đoàn tài chính lớn. Đồng thời, các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cũng được khuyến khích hoạt động, đi kèm với hệ thống y tế, dịch vụ cao cấp, khu nghỉ dưỡng chất lượng, tất cả đều phục vụ cho sự phát triển của TTTCQT.
Thứ nhất, cần nhanh chóng áp dụng cơ chế vận hành linh hoạt để thu hút nhà đầu tư và các tập đoàn tài chính lớn. Thứ hai, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng sandbox – tức là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá với các thử nghiệm mới. Thứ ba, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế và thu hút vốn đầu tư.
Ngoài ra, để TTTCQT thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế, TP HCM cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối với các nhà đầu tư lớn, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào thị trường quốc tế. Khi hội tụ đủ các yếu tố này, TP HCM sẽ có cơ hội vươn lên trở thành một trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.