Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 có nhiều điểm mới so với các quy hoạch trước như: “tính linh động và mở”, tối ưu hóa các nguồn điện để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết COP26. Quy hoạch cũng bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, phù hợp với tăng trưởng GDP theo Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Quy hoạch điện VIII được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh của đất nước. Thời gian qua, nhiều yếu tố mới đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện và định hướng phát triển nguồn điện. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 với mức tăng trưởng cao hơn đáng kể so với trước, cụ thể là phấn đấu đạt tăng trưởng trên 8% vào năm 2025 và đạt mức hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Cần thực hiện nhiều công việc để đạt được mục tiêu này, trong đó có nguồn cung điện năng. Theo đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tiếp tục được đầu tư theo Nghị Quyết 174/2024/QH15 do Quốc hội ban hành ngày 30/11/2024.
Để đảm bảo cung cấp điện phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tới, việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh cơ cấu nguồn điện là cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn đến 2030. Cần ưu tiên phát triển các nguồn điện có thời gian triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc. Nhu cầu điện năng đang gia tăng hàng năm, vượt xa dự báo trước đó.
Đề án quy hoạch điện VIII đã hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 9600/VPCP-CN với nhiều điểm mới và ưu việt. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị Quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việc điều chỉnh quy hoạch điện VIII đã để lại kinh nghiệm về tầm nhìn trong quy hoạch. Để đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển, tư duy vươn mình cần được thể hiện rõ trong các chiến lược, quy hoạch.