Một địa điểm du lịch tại Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Q.Đ
Với tiềm năng dồi dào về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp, Trung du và miền núi phía Bắc hoàn toàn có thể trở thành động lực phát triển của kinh tế tư nhân. Điều quan trọng lúc này là nhanh chóng tháo gỡ những rào cản còn tồn tại, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp chính là các thủ tục hành chính. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, sự chậm trễ trong việc cấp giấy phép, dù chỉ một tháng cũng có thể tác động nghiêm trọng đến lợi thế cạnh tranh sau này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều dự án đầu tư gặp phải vướng mắc kéo dài suốt nhiều năm do các thủ tục pháp lý chưa được giải quyết triệt để. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh mà còn hạn chế đáng kể tiềm năng phát triển của địa phương. Một ví dụ điển hình là dự án du lịch tại khu vực hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
Hồ Thác Bà có diện tích hơn 23.400 ha, sở hữu hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ hòa quyện giữa hệ thống hang động kỳ bí ẩn sâu trong lòng núi đá vôi cùng nhiều di tích, di chỉ khảo cổ có giá trị. Nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và độc đáo, nơi đây mang tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Nhằm khai thác tối đa lợi thế này, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, định hướng phát triển đến năm 2040.
Trên thực tế, tỉnh Yên Bái đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng với mục tiêu đưa hồ Thác Bà trở thành Khu du lịch Quốc gia theo đúng lộ trình của Quyết định 396/QĐ-TTg. Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Bình, nơi có hồ Thác Bà đã có 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cùng với 58 cơ sở lưu trú, trong đó có 31 homestay và gần 50 phương tiện đường thủy phục vụ du khách. Trung bình mỗi năm, huyện Yên Bình đón khoảng 250.000 – 300.000 lượt du khách, mang lại doanh thu ước tính gần 130 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến trình phát triển hồ Thác Bà thành Khu du lịch Quốc gia vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn cũng như hành lang pháp lý dành cho doanh nghiệp. Một ví dụ tiêu biểu là dự án Khu du lịch sinh thái thể thao vui chơi giải trí hồ Thác Bà tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Đây từng là dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái từ cách đây 20 năm.
Cụ thể, vào năm 2005, chủ đầu tư ban đầu của dự án đã nộp 1 tỷ đồng trên tổng số 2,4 tỷ đồng cho diện tích 37 ha. Tuy nhiên, do các điều chỉnh quy hoạch trong các năm 2007, 2009 và 2015, diện tích dự án thay đổi liên tục, đồng thời giá trị đất cũng có sự biến động đáng kể. Đến năm 2016, khi chủ đầu tư mới tiếp nhận dự án, họ chỉ có thể triển khai xây dựng trên phần diện tích hơn 5 ha, trong khi tổng diện tích dự án bị thu hẹp còn 18 ha.
Vấn đề pháp lý lớn nhất mà dự án gặp phải chính là sự không thống nhất về thời điểm tính giá sử dụng đất, liệu nên áp dụng mức giá tại thời điểm năm 2004 hay tại thời điểm giao đất sau này. Cụ thể, khoản tiền 1 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã nộp vào năm 2005 được xác định là khoản “tạm ứng”. Do đó, tỉnh Yên Bái chỉ có thể hoàn trả số tiền này cho doanh nghiệp và tiến hành tính lại giá đất theo thời điểm giao đất thực tế. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng nếu áp dụng phương án này, họ sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Bởi mức giá đất giữa năm 2004 và thời điểm hiện tại có sự chênh lệch khá cao. Do chưa tìm được phương án thống nhất giữa các bên, dự án này vẫn đang bị đình trệ, dù được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồ Thác Bà phát triển về hạ tầng du lịch.
Bên cạnh những khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng gặp trở ngại riêng. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xe điện DK Việt Nhật, có trụ sở tại tỉnh Lạng Sơn đang phải đối mặt với bài toán nhân sự trong quá trình hoạt động. Theo bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty, doanh nghiệp của bà chuyên sản xuất xe đạp và xe máy điện. Do đó, cần một đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, tại một tỉnh miền núi như Lạng Sơn, việc tuyển dụng nhân sự có chuyên môn là rất khó khăn. Bà Đào chia sẻ: “Kỹ sư về kỹ thuật gần như không có, nhân sự về marketing và kinh doanh cũng cực kỳ hạn chế”.
Những vướng mắc này cho thấy, bên cạnh việc cải thiện thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các địa phương cũng cần chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành nghề đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ngoài những khó khăn về nhân sự, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xe điện DK Việt Nhật còn gặp trở ngại về hạ tầng đất đai phục vụ sản xuất. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa có khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp nào được đưa vào sử dụng; hầu hết mới chỉ nằm trong quy hoạch hoặc đang trong quá trình xây dựng. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô hoạt động.
Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty Xe điện DK Việt Nhật, chia sẻ: “Hiện nay, đất của Công ty đã đúng theo quy hoạch sử dụng đất, nhưng quy hoạch xây dựng lại chưa được điều chỉnh. Trong khi đó, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại Lạng Sơn vẫn chưa hình thành. Do đó, chúng tôi không có địa điểm để di dời nhà máy”. Bà cũng nhấn mạnh rằng, hạ tầng đất đai khu công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khiến việc đề xuất thủ tục về đất đai, quỹ đất để xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Công ty bà gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ tại Lạng Sơn, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang đối diện với những trở ngại trong quá trình phát triển. Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù khu vực này đã đạt được một số kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, nhưng các doanh nghiệp tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do bất cập trong cơ chế, chính sách và các trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Ông nhận định, tình trạng này làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Chính quyền cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và mở rộng thị trường”, ông Long kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Vũ Lân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai, cũng thừa nhận rằng khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều rào cản do hệ thống thể chế và quy định pháp luật còn tồn tại một số bất cập. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, dù đã được thực hiện, vẫn chưa thực sự triệt để. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Lân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai. Ảnh: N.H
Doanh nghiệp “hiến kế” để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ
Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, việc cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân cần được đẩy mạnh bằng cách tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ông nhấn mạnh rằng cần loại bỏ những quy định không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đồng thời, việc công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các yêu cầu pháp lý mà không gặp rào cản không đáng có.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng là một giải pháp quan trọng. Ông Long đề xuất triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan.
Đề cập đến vấn đề tiếp cận vốn – một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Long cho rằng cần xây dựng chính sách tín dụng phù hợp với đặc thù của nhóm doanh nghiệp này. Ông đề xuất giảm yêu cầu về tài sản thế chấp và đơn giản hóa thủ tục vay vốn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính hơn. Bên cạnh đó, việc thành lập và phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là một giải pháp cần được nghiên cứu và triển khai, giúp doanh nghiệp có thêm kênh tiếp cận vốn ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống.
“Những giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tại tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung,” ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, các doanh nghiệp mong muốn quá trình cải cách hành chính phải thực sự hiệu quả, hạn chế tối đa các khâu trung gian không cần thiết. Chính quyền cần có những giải pháp tối ưu để không làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lào Cai còn nhiều (du lịch, cửa khẩu…) cần phát huy tối đa. Ảnh: Báo PLVN
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tư nhân tại Sơn La
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La, mặc dù doanh nghiệp tại địa phương có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn sản xuất kinh doanh hạn chế, trong khi chi phí sản xuất lại cao, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu cạnh tranh. Ngoài ra, cơ cấu doanh nghiệp giữa các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, trong khi các ngành sản xuất, chế biến chưa phát triển mạnh. Một hạn chế khác là nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn, ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, nợ thuế và bảo hiểm xã hội. Việc chuyển đổi số trong quản trị và sản xuất vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nhân chưa có đủ kiến thức về pháp luật và kỹ năng quản lý hiện đại. Sơn La cũng chưa có nhiều doanh nghiệp và doanh nhân xây dựng được thương hiệu vươn tầm quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến vẫn gặp khó khăn về hạ tầng, logistics và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế địa phương, ông Sơn cho rằng tỉnh Sơn La cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm phát triển. Ông nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng, bao gồm:
Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo hành lang pháp lý thuận lợi về đất đai, thủ tục đầu tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hoạt động.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.
Đẩy mạnh mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và kinh tế chia sẻ, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, ông Sơn kỳ vọng rằng doanh nghiệp tư nhân tại Sơn La sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.