Năm 2024 chứng kiến nhiều sự kiện pháp luật quan trọng, không chỉ ghi dấu ấn về mặt chính trị, kinh tế, mà còn thúc đẩy những bước tiến đáng kể trong cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế. Dưới đây là những sự kiện tiêu biểu được Hội đồng bình chọn của Báo Pháp luật Việt Nam công bố, mang ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Dưới đây là 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2024 do Hội đồng bình chọn của Báo Pháp luật Việt Nam lựa chọn:
1.Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Sáng ngày 3/8/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Phát biểu sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm cam kết tiếp tục kế thừa những thành quả cách mạng, duy trì đoàn kết nội bộ và lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã đề ra, hướng tới Đại hội XIV.
2. Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và triệt để thực hiện việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị đã tham gia tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW với những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ dự kiến sẽ giảm số lượng Bộ xuống còn 13 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ. Các tổ chức sắp xếp, hợp nhất, giảm từ 35-40% đầu mối, các tổ chức còn lại bên trong giảm tối thiểu 15%. Tinh giản tổng cục và các tổ chức tương đương, dự kiến giảm 500 cục thuộc Bộ và các tổng cục.
Ở Quốc hội, sau khi sáp nhập, tinh gọn, số lượng các cơ quan và đơn vị trực thuộc Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng giảm đáng kể, lên tới 36%. Các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội giảm trên 40%. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các địa phương cũng đang được tiến hành theo kế hoạch.
3. Số lượng luật, nghị quyết Quốc hội thông qua nhiều nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật và 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, đánh dấu bước đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp. Các chính sách mới được xây dựng với tinh thần vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất và khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Đặc biệt, Quốc hội đã phê duyệt nhiều luật quan trọng theo phương thức “một luật sửa nhiều luật,” nhằm tháo gỡ những “nút thắt” lớn, giải quyết các vấn đề cấp bách và xử lý “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) – một dự án luật có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường của đất nước. Đây cũng là dự án luật có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), được triển khai sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra. Điều này nhằm hoàn thiện đồng bộ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
4. Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam được Quốc hội thông qua
Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 1.713 nghìn tỷ đồng. Đây là bước tiến lớn trong hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế. Việc triển khai dự án này không chỉ giúp kết nối các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy sự hội nhập và cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
5. Khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của Bộ Tư pháp
Ngày 7/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc quan trọng với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp để đánh giá toàn diện công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư trực tiếp làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống pháp luật vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất và khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tổng Bí thư yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng pháp luật, đảm bảo các chính sách pháp lý phải tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, đồng thời đáp ứng kỳ vọng đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
6. Công bố Bộ pháp điển Việt Nam: Bước tiến lớn trong hệ thống hóa pháp luật
Ngày 5/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp chính thức công bố “Bộ pháp điển Việt Nam” – một công trình pháp lý đồ sộ được xây dựng từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực ở cấp Trung ương. Bộ pháp điển được cấu trúc thành 45 chủ đề lớn, bao gồm 271 đề mục, sắp xếp theo trình tự logic, khoa học và hệ thống nhằm nâng cao tính minh bạch và dễ dàng tra cứu.
Việc xây dựng Bộ pháp điển được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với sự tham gia của các Bộ, ngành theo quy trình chặt chẽ. Bộ pháp điển không chỉ đảm bảo tính đồng bộ, đầy đủ và chính xác của các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực mà còn giúp việc tra cứu, tìm kiếm quy định pháp lý trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Việc công bố Bộ pháp điển được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc hệ thống hóa pháp luật, góp phần nâng cao sự minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật, đồng thời củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào công tác quản lý nhà nước.
7. Triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong toàn quốc
Một trong những bước tiến lớn về cải cách hành chính là việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tạo ra nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả cán bộ quản lý lý lịch tư pháp và cả người dân. Người dân có thể thực hiện thủ tục này hoàn toàn trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi qua các thiết bị điện tử thông minh. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 03 ngày làm việc. Đây là một cải cách quan trọng, tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân, đồng thời giảm tải áp lực cho hệ thống hành chính công.
8. Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm trên không gian mạng
Trên bình diện quốc tế, sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng vào chiều ngày 24/12/2024 (giờ New York) là dấu mốc quan trọng. Công ước này tạo khung pháp lý toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ an ninh mạng, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đăng cai lễ ký một Công ước quan trọng của LHQ, đánh dấu một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế và đối ngoại đa phương.
9. Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024”: Chung tay tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp
Ngày 9/10/2024, Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật năm 2024” với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Sự kiện do Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã lắng nghe ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia về những khó khăn, vướng mắc pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các vấn đề được nhận diện sâu sắc và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ hiệu quả, giúp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên thực hiện “giám sát lại” trong nhiệm kỳ XV
Tại Phiên họp thứ 36, diễn ra vào tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Điểm nhấn của phiên họp là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là bước đi quan trọng, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc theo sát và giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Hoạt động giám sát lại không chỉ nhằm đánh giá toàn diện các kết quả đạt được mà còn làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Từ đó, đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, hoạt động này còn thể hiện sự đồng hành của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, nhằm bảo đảm các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn được thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.